Các trường hợp chống người thi hành công vụ

Trường hợp chống người thi hành công vụ có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; tái phạm nguy hiểm được quy định như thế nào?

 a) Trường hợp chống người thi hành công vụ có tổ chức
 
Phạm tội chống người  thi hàn công vụ có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc chống người thi hành công vụ, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu
 
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm ( khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự )

Trong vụ án chống người thi hành công vụ có tổ chức, tùy thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
 
Cần chú ý rằng, khi đã xác định vụ án được thực hiện có tổ chức thì tất cả những người trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết " phạm tội có tổ chức". Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với từng người còn tùy thuộc vào vai trò của họ trong vụ án như đã phân tích ở trên.
 
b) Trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ nhiều lần
 
Phạm tội chống người thi hành công vụ nhiều lần là thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội chống người thi hành công vụ nhưng tất cả các lần phạm tội đó đều bị xét xử trong cùng một bản án. Ví dụ: ngày 15 tháng 1 năm 2004 Nguyễn Văn H đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với đoàn cán bộ thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự, buộc đoàn cán bộ phải quay về mà không thực hiện được lệnh cưỡng chế; đến ngày 20 tháng 1 năm 2004, đoàn cán bộ lại đến thực hiện việc cưỡng chế thì H lại dùng vũ lực đối với cán bộ trong đoàn.
 
Phạm tội nhiều lần khác phạm tội liên tục ở chỗ: phạm tội liên tục là o một loạt hành vi phạm tội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian tạo thành, nhằm đạt tới mục đích phạm tội. Trong một loạt hành vi ấy có cái đã là tội phạm, có cái chưa phải là tội phạm, nhưng nó là tội phạm thống nhất. Ví dụ: Đào Công T không chấp hành lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông, sau đó lại có lời lẽ đe dọa, rồi dùng vũ lực khi người cảnh sát giao thông giữ được xe của T. Hành vi liên tục chống người thi hành công vụ của T không phải là phạm tội nhiều lần mà là phạm tội liên tục.
 
Việc xác định một người phạm tội nhiều lần không khó. Tuy nhiên có một số trường hợp cần chú ý:
- Nếu hành vi chống người thi hành công vụ của bị cáo đã bị xử lý không thể bị xử lý bằng hình thức gì như: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, ... thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.
 
- Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ đã được Viện kiểm sát miễn truy tố hoặc không truy tố cùng với hành vi chống người thi hành công vụ bị đưa ra xét xử, hoặc tách để xử ở vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần.
 
c) Trường hợp phạm tội xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội chống người thi hành công vụ
 
Trường hợp phạm tội này về hành vi hoàn toàn tương tự với hành vi của người tổ chức, người xúi giục trong vụ án có tổ chức. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này là hành vi của người phạm tội không có tổ chức, mà chỉ là đồng phạm thông thường, có nhiều người tham gia. Nếu đã bị coi là phạm tội có tổ chức thì không coi là xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội nữa.
 
Chỉ cần người phạm tội có một trong các hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác phạm tội là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 điều luật mà không cần phải thực hiện đầy đủ cả ba hành vi.
 
Người phạm tội trong trường hợp này chủ yếu là người vừa thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ vừa có hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc kích động  người khác phạm tội, nhưng cũng có thể là người không trực tiếp thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ mà chỉ có hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác phạm tội.
 
d) Trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng
 
Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nói chung và phạm tội chống người thi hành công vụ nói riêng là trường hợp do hành vi phạm tội mà gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; thiệt hại nghiêm trọn về tài sản của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác phi vật chất. Tuy nhiên, những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người thi hành công vụ, dùng vũ lực trực tiếp gây ra không được xác định là hậu quả nghiêm trọng, mà chỉ tính những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc những thiệt hại phi vật chất do vô ý gây ra hoặc do người khác gây ra để xác định hậu quả nghiêm trọng.
 
Trong trường hợp người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe cho người thi hành công vụ thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích, còn những người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ cũng được tính để xác định hậu quả cho những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Ví dụ A, B, C cùng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, nhưng A có hành vi cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật là 61%, thì A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, còn B và C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo điểm d khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt " gây hậu quả nghiêm trọng "
 
Hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra, nhưng căn cứ vào các hướng dẫn đối với các tội phạm khác, chúng ta có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, và Bộ Tư pháp ( sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra, cụ thể là:

- Làm chết một người;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm trên;
 
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị ừ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng ;
 
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
 
 Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ... Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể mà đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng hay không.
 
đ) Trường hợp chống người thi hành công vụ tái phạm nguy hiểm
 
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm chưa được xóa án mà lại phạm tội do cố ý ( điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự )
 
Phạm tội chống người thi hành công vụ thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội chống người thi hành công vụ. Còn trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội chống người thi hành công vụ thì chưa phải là tái phạm nguy hiểm, vì tội chống người thi hành công vụ không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 257 thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.
 
Nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt ( dưới hai năm tù ) hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào