Thủ tục quá cảnh qua đường bộ Việt Nam
Trường hợp này phải thực hiện thủ tục hải quan được quy định tại Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC, theo đó, thủ tục hải quan vận chuyển độc lập được áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ đất liền Việt Nam, hồ sơ hải quan gồm:
- Tờ khai vận chuyển độc lập theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mục 6 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;
- Vận tải đơn, trừ trường hợp hàng hóa vận chuyển qua biên giới đường bộ không có vận tải đơn: 01 bản chụp;
- Giấy phép quá cảnh đối với trường hợp hàng quá cảnh phải có giấy phép: 01 bản chính.
Để xin giấy phép liên vận anh tham khảo tại Điều 8 Thông tư 63/2013/TT-BGTVT, hồ sơ sẽ khác nhau đối với trường hợp xe thương mại và xe phi thương mại.
Cơ quan cấp giấy phép liên vận được quy định tại điều 10 Thông tư này, cụ thể như sau:
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép cho các loại phương tiện như sau:
a) Xe thương mại thuộc các đối tượng: xe vận tải hành khách hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch, xe vận tải hàng hóa;
b) Xe phi thương mại thuộc các đối tượng: xe ô tô thuộc các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc các Bộ, xe của các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có trụ sở đóng tại Hà Nội.
2. Sở Giao thông vận tải địa phương cấp Giấy phép cho xe vận tải hành khách tuyến cố định, xe phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn địa phương, trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Sở Giao thông vận tải địa phương nơi có cửa khẩu biên giới giáp với Lào và Campuchia theo Phụ lục I và Phụ lục II của Thông tư này, ngoài việc cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều này còn được cấp Giấy phép cho xe phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn các tỉnh khác của Việt Nam đi qua cửa khẩu của địa phương mình.
Trên đây là tư vấn về thủ tục quá cảnh qua đường bộ Việt Nam. Để biết thêm cho tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật