Cộng hay không cộng khoảng phí CIC?
Về phần phí CIC thì hiện tại Tổng cục Hải quan đã có văn bản trả lời tại Công văn 10111/TCHQ-TXNK năm 2016 về cộng hay không cộng khoảng phí CIC trình bày như sau:
- Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC thì trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.
- Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC thì chỉ điều chỉnh cộng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(1) Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;
(2) Phải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu; (3) Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.
Như vậy, khoản phụ phí CIC phải liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng các điều kiện cộng thì được xem xét là khoản điều chỉnh cộng.
Ngoài ra, tại Công văn 2840/TXNK-TCHQ vướng mắc về phí CIC năm 2016 trình bày:
- Căn cứ quy định Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực về việc khai báo; cơ quan hải quan khi kiểm tra trị giá khai báo, có quyền yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu có liên quan đến trị giá khai báo để chứng minh cho trị giá khai báo trong quá trình kiểm tra trong và sau thông quan.
- Theo hướng dẫn về phí CIC tại Công văn số 10111/TCHQ-TXNK ngày 05/9/2016 của Tổng cục Hải quan, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bình Dương căn cứ vào hồ sơ thực tế nhập khẩu, khai báo của người khai hải quan và đối chiếu với các quy định nêu trên để xác định trị giá hải quan theo đúng quy định.
Trường hợp khoản phí CIC là khoản phải cộng vào trị giá hàng nhập khẩu thì căn cứ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan để áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để thực hiện xác định trị giá theo đúng quy định.
Theo quan điểm trả lời nêu trên thì phần phí CIC mà chị nêu sẽ phải tính vào trị giá hàng hóa. Về việc sử dụng trị giá nào (trị giá đã có thuế GTGT hay trị giá không có thuế GTGT) thì quan điểm trả lời không nêu rõ, nhưng nếu xét về nguyên tắc tính thuế GTGT (Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC) thì trị giá tính vào giá hàng hóa ở đây sẽ là giá phí CIC không bao gồm thuế GTGT. Nội dung này cũng đã từng được hải quan Đồng Nai trả lời trên cổng thông tin điện tử của họ như sau:
-Nếu như trong hợp đồng vận tải, các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa thể hiện phí CIC thì được xem xét cộng vào trị giá tính thuế vì nó liên quan đến chi phí để có được container rỗng để chứa hàng nhập khẩu, do hãng tàu thu người nhập khẩu.
- Khi khai trị giá tính thuế phí CIC đề nghị doanh nghiệp sử dụng trị giá trước khi tính thuế GTGT để tránh nộp hai lần thuế GTGT cho loại phí này. Về việc nộp hai lần thuế GTGT, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn.
- Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, về vấn đề DN phải nộp thuế GTGT 2 lần (1 lần khi trả tiền phí CIC; 1 lần khi tính vào trị giá hàng hóa) thì hiện nay chưa thấy thông tin nào hướng dẫn, các cục HQ thì cũng chỉ đề nghị DN liên hệ trực tiếp với chi cục HQ để kiểm tra và giải quyết với từng trường hợp, từng thắc mắc; Do đó về việc này thì không thể đưa ra nhận định chi tiết (làm sao để không bị tính thuế GTGT trùng), bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chi cục hải quan nơi làm thủ tục để họ kiểm tra đánh giá, giải quyết cho từng trường hợp.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban hỗ trợ Thư Viện Pháp Luật.
Trân trọng!