Áp dụng thuế chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
Áp dụng thuế chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được hướng dẫn tại Điều 38 Nghị định 89/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, theo đó:
1. Trường hợp không đạt được cam kết quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Chống trợ cấp, căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và kiến nghị của Hội đồng xử lý quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp.
Trường hợp việc áp dụng thuế chống trợ cấp gây tổn hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra quyết định không áp dụng thuế chống trợ cấp.
2. Quyết định về việc áp dụng thuế chống trợ cấp phải tuân thủ các quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 24 Pháp lệnh Chống trợ cấp.
3. Quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp được công bố công khai, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của Người yêu cầu (nếu có);
b) Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị áp dụng thuế chống trợ cấp, trong đó bao gồm tên gọi của hàng hoá, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng;
c) Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa là đối tượng bị áp dụng thuế chống trợ cấp;
d) Tên nước, vùng lãnh thổ sản xuất, xuất khẩu hàng hoá là đối tượng bị áp dụng thuế chống trợ cấp;
đ) Tóm tắt kết quả điều tra cho thấy sự cần thiết phải áp dụng thuế chống trợ cấp;
e) Thuế suất thuế chống trợ cấp;
g) Ngày có hiệu lực và thời hạn áp dụng thuế chống trợ cấp;
h) Mức chênh lệch về thuế phải hoàn trả (nếu có) theo quy định tại Điều 39 Nghị định này.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Áp dụng thuế chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, được quy định tại Nghị định 89/2005/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật