Giao dịch đối ứng trong hoạt động cung cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 40/2016/TT-NHNN thì giao dịch đối ứng trong hoạt động cung cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được quy định như sau:
1. Ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài để cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng như sau:
a) Ngân hàng thương mại được thực hiện giao dịch đối ứng là hợp đồng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 9 và điểm a, b và c khoản 1 Điều 13 Thông tư này;
b) Hàng hóa trong giao dịch đối ứng là hàng hóa cơ sở;
c) Khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở và hiệu lực của giao dịch đối ứng phải trùng khớp với khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở và hiệu lực của hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa mà ngân hàng thương mại đã giao kết và thực hiện với khách hàng;
d) Trường hợp có sự thay đổi liên quan đến hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa do thay đổi về giao dịch gốc, ngân hàng thương mại phải điều chỉnh giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài phù hợp với quy định tại điểm a, b và c khoản này và quy định nội bộ tại khoản 6 Điều 7 Thông tư này;
đ) Trường hợp chấm dứt trước hạn giao dịch đối ứng giữa ngân hàng thương mại và đối tác nước ngoài, thì ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng khác với hiệu lực và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở trùng khớp với thời hạn còn hiệu lực và khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở còn lại tại hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa mà ngân hàng thương mại đã giao kết và thực hiện với khách hàng; trường hợp ngân hàng thương mại không thể thực hiện giao dịch đối ứng khác cho thời hạn còn hiệu lực và khối lượng hàng hóa danh nghĩa cơ sở còn lại của hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa mà ngân hàng thương mại đã giao kết và thực hiện với khách hàng, thì trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt giao dịch đối ứng, ngân hàng thương mại phải xây dựng phương án cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Chính sách tiền tệ và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về nguyên nhân phát sinh, các biện pháp và thời hạn khắc phục.
e) Trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, thì ngân hàng thương mại phải chấm dứt giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài.
2. Khi thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, ngân hàng thương mại phải thực hiện với đối tác nước ngoài được xếp hạng tín nhiệm tối thiểu Baa/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody's Investors Service hoặc BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard&Poor’s hoặc BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings tại thời điểm giao kết hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, trừ trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch đối ứng với ngân hàng mẹ hoặc với chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ.
Giao dịch đối ứng trong hoạt động cung cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được quy định tại Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật