Làm chứng minh giả thì bị xử lý như thế nào?
Khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân;
b) Làm giả chứng minh nhân dân;
c) Sử dụng chứng minh nhân dân giả.
Vậy, trường hợp làm giả, sử dụng chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt tiền từ từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Ngoài ra, trường hợp làm chứng minh nhân dân giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Như vậy, trong trường hợp của bố bạn, bố bạn nên thành khẩn khai báo với cơ quan Công an, để cơ quan xem xét mức độ của vi phạm để có hướng giải quyết. Trường hợp bố bạn chỉ là người sử dụng chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt tiền từ từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý hành vi làm chứng minh giả. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 167/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật