Thủ tục xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải
Sa thải là một trong những hình thức xử lý kỷ luật theo Khoản 3 Điều 125 Bộ luật lao động 2012.
Căn cứ Điều 123 Bộ luật lao động 2012 và Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP xác định nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:
Nguyên tắc:
- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
Trình tự xử lý kỷ luật:
- Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
- Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 . Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật lao động 2012.
- Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.
- Người giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.
- Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo Điều 124 của Bộ luật lao động 2012, Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.
Như thế, thông tin bạn đưa ra có hai vấn đề:
Thứ nhất, anh Minh có đến tham dự cuộc họp nhưng bỏ về giữa chừng.
Thứ hai, Giám đốc ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải mà không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Đối với vấn đề thứ nhất, việc anh Minh có đến tham dự cuộc họp nhưng không đồng nhất được ý kiến với phía công ty nên đã bỏ về. Tuy nhiên, yêu cầu kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật phải được lập thành biên bản và có chữ ký của các bên. Trường hợp này nếu không có được chữ ký của anh Minh thì người lập biên bản ghi rõ lý do về việc không có chữ ký của anh Minh. Nếu ghi rõ thì biên bản được coi là hợp pháp.
Đối với vấn đề thứ hai, sau cuộc họp giám đốc ra quyết định sa thải mà không cần phải thông qua việc trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở. Bởi lẽ, nội dung cuộc họp đã được diễn ra và lập thành biên bản. Ban chấp hành công đoàn đã trực tiếp trao đổi với giám đốc công ty và người lao động. Nên không cần trao đổi thêm lần nữa. Người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm gửi quyết định đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, quyết định sa thải của người sử dụng lao động là hợp pháp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật