Có thể đóng bảo hiểm bắt buộc trùng vào thời gian đã tham gia bảo hiểm tự nguyện không?

Có thể đóng bảo hiểm bắt buộc trùng vào thời gian đã tham gia bảo hiểm tự nguyện không? Em muốn hỏi: Mẹ em năm nay 52 tuổi, 2 năm trước mẹ em được công ty cho nghỉ việc vì hết tuổi lao động nặng nhọc nhưng mới chỉ đóng được 18 năm bảo hiểm bắt buộc sau đó được hướng dẫn đóng 2 năm tự nguyện cho đủ 20 năm để lãnh hưu. Vì không hiểu rõ luật nên mẹ em đã tham gia đóng 2 năm tự nguyện, đến tháng 01/2017 là đủ 2 năm nhưng vì đóng 6 tháng 1 lần nên đã đóng trước. Rồi mẹ em đi làm hưu thì được biết nếu chuyển qua tự nguyện phải chờ 55 tuổi mới được lãnh hưu, và được hướng dẫn tham gia lại bảo hiểm bắt buộc thêm 2 năm nữa để được lãnh hưu sớm. Nay em muốn đưa mẹ vào công ty em để đóng bảo hiểm cho mẹ, em muốn hỏi em có thể tham gia bảo hiểm lùi lại và truy thu bảo hiểm của mẹ em, tức em sẽ đóng trùng với thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện có được không ạ hay em phải chờ hết thời gian đóng bh tự nguyện rồi mới được tham gia bảo hiểm bắt buộc cho mẹ em ạ. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện nghỉ hưu như sau:

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Căn cứ vào quy định này thì những người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

+ Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

+ Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

+ Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Như vậy, nếu như mẹ bạn đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm, có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì độ tuổi nghỉ hưu là từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi. Thời gian 20 năm đóng bảo hiểm xã hội không phân biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện hay là bảo hiểm xã bắt buộc.

Trường hợp bạn muốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho mẹ bạn thông qua đóng nhờ ở một công ty nào đó thì pháp luật không quy định, cho nên nếu như có hợp đồng lao động thì vẫn đóng được bảo hiểm xã hội thông qua công ty. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép đóng trùng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, cho nên không đặt ra vấn đề truy thu trong trường hợp như mong muốn của bạn: "Đưa mẹ vào công ty em để đóng bảo hiểm cho mẹ, em muốn hỏi em có thể tham gia bảo hiểm lùi lại và truy thu bảo hiểm của mẹ em, tức em sẽ đóng trùng với thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện". 

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đóng bảo hiểm bắt buộc trùng vào thời gian đã tham gia bảo hiểm tự nguyện. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật bảo hiểm xã hội 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào