Mua nhầm đồ ăn cắp, có thể kiện đòi cửa hàng bồi hoàn
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS) về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài ra điều luật còn quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực trong một số trường hợp nhất định.
Theo Điều 127 BLDS, khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 nêu trên thì vô hiệu. Theo đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: “Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Đối chiếu với các quy định mà chúng tôi vừa viện dẫn thì việc chủ cửa hàng bán cho bạn chiếc máy tính là tang vật của một vụ trộm là đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Do vậy, việc mua bán đương nhiên bị vô hiệu.
Đối với chủ cửa hàng, trong trường không biết chiếc máy tính đó là tang vật của một vụ trộm cắp thì cũng tương tự như trường hợp của bạn, có quyền yêu cầu người bán hoàn trả lại số tiền đã thanh toán.
Còn trường hợp người chủ cửa hàng biết rõ chiếc máy tính đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn mua thì hành vi này có dấu hiệu phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong trường hợp thương lượng không đạt kết quả, bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để đề nghị xét xử, buộc chủ cửa hàng phải hoàn lại tiền cho bạn.
Thư Viện Pháp Luật