Quy trình thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ được quy định như thế nào?

Quy trình thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ được quy định như thế nào? Chào quý anh chị ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được các anh chị giải thích giúp tôi. Các anh chị cho tôi hỏi: Quy trình thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ được quy định như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời của quý anh chị, tôi xin chân thành cám ơn!

Theo quy định hiện hành tại Khoản 3 Điều 29 Thông tư 41/2016/TT-BTNMT thì quy trình thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ được quy định như sau:

a) Trường hợp dông, sét hình thành ngay tại khu vực cảnh báo

Khi phân tích dữ liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét nhận thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành tại khu vực cảnh báo; nhiệt độ đỉnh mây trên ảnh hồng ngoại, cận hồng ngoại có dấu hiệu liên tục giảm mạnh; suất phản xạ albedo trên ảnh thị phổ có dấu hiệu tăng nhanh; độ phản hồi vô tuyến cao và tăng nhanh; xuất hiện sét đánh trên bản đồ định vị sét thì kết luận về khả năng, mức độ xuất hiện dông, sét và chuyển sang thực hiện ra bản tin và cung cấp bản tin được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

b) Trường hợp dông, sét ở khu vực bên ngoài di chuyển vào khu vực cảnh báo

Khi phân tích dữ liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét nhận thấy mây đối lưu ở khu vực bên ngoài có xu hướng di chuyển vào khu vực cảnh báo thì tiến hành các bước sau:

b1) Khoanh vùng các đám mây đối lưu trên;

b2) Xác định mức độ phát triển mây đối lưu trên cơ sở phân tích diễn biến nhiệt độ đỉnh mây, suất phản xạ albedo (đối với ảnh vệ tinh), độ phản hồi vô tuyến (đối với ảnh ra đa), cường độ sét, mật độ sét đánh (đối với số liệu định vị sét);

b3) Xác định hướng và tốc độ di chuyển của các đám mây đối lưu; kết luận về khả năng, mức độ xảy ra dông, sét trên các khu vực cảnh báo.

c) Xác định các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

c1) Trên cơ sở đánh giá về tốc độ phát triển của các đám mây đối lưu và dấu hiệu nhận biết chúng trên ảnh ra đa thời tiết và ảnh mây vệ tinh để nhận định về khả năng có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Tố, lốc và mưa đá;

c2) Trên cơ sở số liệu ước lượng lượng mưa từ thông tin ra đa, vệ tinh và số liệu mưa tự động để xác định khả năng xuất hiện mưa lớn cục bộ (phạm vi, cường độ mưa).

Quy trình thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-BTNMT quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào