Quyền và trách nhiệm của EVN trong quản lý cổ phần, vốn góp tại công ty con, công ty liên kết

Quyền và trách nhiệm của EVN trong quản lý cổ phần, vốn góp tại công ty con, công ty liên kết được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi hiện đang làm việc trong ngành điện lực.Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập tư vấn giúp. Quyền và trách nhiệm của EVN trong quản lý cổ phần, vốn góp tại công ty con, công ty liên kết được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Tuấn Minh (minh****@gmail.com)

Quyền và trách nhiệm của EVN trong quản lý cổ phần, vốn góp tại công ty con, công ty liên kết được quy định tại Điều 70 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 205/2013/NĐ-CP như sau:

1. Hội đồng thành viên EVN thực hiện các quyền và trách nhiệm của:

a) Chủ sở hữu tại các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Chủ sở hữu cổ phần, vốn góp tại công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật;

c) Quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên EVN đối với công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại Điều lệ này.

2. Quyền và trách nhiệm của EVN trong quản lý cổ phần, vốn góp tại công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (trong Khoản này gọi chung là công ty) do Hội đồng thành viên EVN thực hiện bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung sau đây:

a) Quyết định việc góp vốn, chuyển nhượng vốn EVN đầu tư tại công ty; thực hiện các quyền của cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn mà EVN đã góp vào công ty;

b) Quyết định cử Người đại diện để thực hiện các quyền của cổ đông, thành viên góp vốn; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định lương, thưởng, phụ cấp và các lợi ích khác của Người đại diện; đánh giá đối với Người đại diện;

c) Yêu cầu Người đại diện thực hiện các nội dung đã được giao quy định tại Điểm d Khoản này, trừ Trường hợp Điều lệ của công ty có quy định khác; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình đầu tư, tài chính, hiệu quả sử dụng vốn EVN đầu tư, kết quả kinh doanh của công ty;

d) Hội đồng thành viên EVN giao nhiệm vụ cho Người đại diện quyết định các nội dung sau của công ty:

- Mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;

- Điều lệ, sửa đổi và bổ sung điều lệ của công ty;

- Việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ; thời điểm và phương thức huy động vốn; loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; việc mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

- Việc đề cử để bầu, kiến nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát. Đề cử để bổ nhiệm, kiến nghị miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty. Thù lao, tiền lương, tiền thưởng và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty; số lượng thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) công ty;

- Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của công ty; danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm (đối với công ty do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ);

- Thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác và chủ trương góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của công ty đầu tư vào doanh nghiệp khác, việc tiếp nhận doanh nghiệp khác tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết của công ty (đối với công ty do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ);

- Chủ trương thành lập công ty con; thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện (đối với công ty do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ);

- Đối với công ty do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Chủ trương mua, bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Quy chế quản lý nội bộ của EVN; chủ trương vay nợ nước ngoài của công ty. Đối với công ty do EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ: Chủ trương đầu tư, mua, bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Quy chế quản lý nội bộ của EVN;

- Báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ, mức cổ tức hàng năm của công ty;

- Đối với công ty do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Chế độ tuyển dụng; chế độ thù lao, tiền lương, tiền thưởng của công ty.

đ) Yêu cầu Người đại diện báo cáo để thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên, đánh giá việc sử dụng vốn EVN đầu tư tại công ty. Đối với công ty do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Thanh tra theo quy định việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn EVN đầu tư tại công ty; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh;

e) Các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quy định về Quyền và trách nhiệm của EVN trong quản lý cổ phần, vốn góp tại công ty con, công ty liên kết. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 205/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cổ phần

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào