Quy trình xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển công chức ngành Kiểm sát nhân dân

Tôi tên là Nguyễn Hoàng Nghĩa, địa chỉ mail hoangnghia_nhn****@gmail.com, tôi muốn hỏi: Quy trình xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển công chức ngành Kiểm sát nhân dân được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Tôi hiện đang học hệ tại chức, sắp tới tôi có ý định tham gia kỳ thi công chức, mà cụ thể là công chức Viện kiểm sát nhân dân nên tôi rất quan tâm tới vấn đề này. Mong các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giùm tôi. Tôi xin cảm ơn rất nhiều. Chúc Ban biên tập Thư Ký Luật ngày càng phát triển.

Quy trình xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển công chức ngành Kiểm sát nhân dân được hướng dẫn tại Điều 28 Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 494/QĐ-VKSTC, theo đó:

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận đối với những trường hợp xếp ngạch từ Chuyên viên và tương đương trở xuống sau đó báo cáo Bộ Nội vụ theo qui định; hoặc quyết định tuyển dụng, tiếp nhận đối với những trường hợp xếp ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên sau khi đã có văn bản thống nhất của Bộ Nội vụ.

2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (nếu tiếp nhận công chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao) hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (nếu tiếp nhận công chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện) xây dựng hồ sơ báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm:

a) Tờ trình đề nghị tiếp nhận, trong đó mô tả công việc của vị trí cần tuyển tương ứng với từng trường hợp đề nghị tiếp nhận; số chỉ tiêu biên chế còn thiếu; dự kiến xếp ngạch, bậc lương đối với công chức sau khi được tiếp nhận.

b) Biên bản, kết quả họp Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với trường hợp phải qua kiểm tra, sát hạch. Đối với trường hợp không phải qua kiểm tra, sát hạch quy định tại Khoản 3 Điều 27 Quy chế này thì phải có văn bản đề nghị tiếp nhận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi dự kiến bố trí công tác đối với người được tiếp nhận;

c) Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển gồm những tài liệu theo quy định tại Điều 8 Quy chế này và bổ sung thêm những tài liệu sau:

- Bản sao kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại Khoản 1, 2 Điều 25 Quy chế này, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

- Bản sơ yếu lý lịch theo mẫu số 2c ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là mẫu số 2c/2008/BNV), có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với những trường hợp tiếp nhận quy định tại Khoản 3 Điều 25 Quy chế này;

- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác và các hình thức khen thưởng đã đạt được; có nhận xét và xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác đối với trường hợp tiếp nhận theo Khoản 3 Điều 25 Quy chế này.

3. Người có thẩm quyền tuyển dụng công chức đề nghị tiếp nhận công chức không qua thi tuyển chịu trách nhiệm về các Điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về quy trình xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển công chức ngành Kiểm sát nhân dân, được quy định tại Quyết định 494/QĐ-VKSTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xét tuyển công chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào