Bị mẹ chửi và đánh có phải là bạo lực gia đình không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 và Điểm a, b Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình “là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.” Và trong các hành vi được xem là bạo lực gia đình có hành vi các hành vi như: “Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm”; “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” và “Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình”.
Đối với trường hợp của bạn, để biết hành vi của mẹ bạn có phải là bạo lực gia đình hay không cần xem lại việc mẹ bạn đánh, chửi bạn như vậy có phải nhằm cố ý gây ra tổn hại về thể chất, tinh thần của bạn hay không? Nếu máy tính là tài sản riêng của bạn thì việc mẹ bạn đập phá máy tính của bạn có nhằm mục đích làm hư hỏng tài sản riêng của bạn hay không? Nếu đây là hành vi cố ý nhằm mục đích gây tổn hại cho bạn thì đây là hành vi bạo lực gia đình. Bạn hoặc ba bạn hoàn toàn có quyền thông báo đến các cơ quan chức năng ở địa phương để yêu cầu can thiệp, giúp đỡ.
Tuy nhiên nếu việc la mắng, đánh, phá máy tính đó chỉ nhằm mục đích ngăn bạn chơi game, xem TV – vì sợ ảnh hưởng đến việc học của bạn, hoặc những game trên máy tính có thể ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý của bạn thì đây không được xem là bạo lực gia đình mà chỉ là sự quan tâm của mẹ bạn dành cho bạn thôi, vì hiện nay có rất nhiều thông tin trên báo, đài… đã đưa ra nhiều trường hợp những thanh niên bị ảnh hưởng bởi những game, phim ảnh mang tính chất bạo lực, dẫn đến việc hình thành nhân cách đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe… Cho nên mẹ bạn lo lắng cho bạn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên có thể việc thể hiện sự lo lắng đó có phần thái quá đối với bạn. Nếu vấn đề của bạn và mẹ bạn nằm ở trường hợp này, bạn nên nói chuyện với mẹ bạn và chứng minh cho mẹ bạn thấy việc mình chơi game hay xem TV ngoài thời gian học tập hoàn toàn lành mạnh và nhằm mục đích giải trí sau những giờ học căng thẳng chứ không phải tập trung vào những thú vui giải trí đó mà sao nhãng việc học. Trường hợp mẹ bạn không chấp nhận những giải thích mà bạn đưa ra, bạn nên nhờ ba bạn thuyết phục mẹ hoặc có thể liên hệ UBND xã, tổ dân phố nhờ can thiệp và giải thích cho mẹ bạn về vấn đề này.