Mua bằng giả có phạm tội không?
Căn cứ Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 tại Điều 267: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Như bạn đã trình bày ở trên thì để biết được hành vi mua bằng giả mà người bạn của bạn thực hiện có phạm tội theo quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự ở trên hay không thì còn phải căn cứ xem bạn của bạn có hành vi nhằm lừa dối cơ quan nhà nước hay không?
Với những gì đã trình bày, mục đích của việc mua bằng giả chỉ là để nói dối bố mẹ. Đó không phải đối tượng là cơ quan, tổ chức, bởi vậy hành vi mua bằng giả mà người bạn của bạn thực hiện không bị xem là tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự 1999 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Do vậy, căn cứ khoản 3, khoản 5 điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Điều 16: Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này”.
Như vậy, bạn của bạn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng do hành vi mua bán văn bằng giả. Ngoài ra, sẽ bị phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính.
Mong rằng nội dung tư vấn sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.