Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế được quy định như thế nào?
Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế được quy định tại Điều 25 Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
1. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế là việc Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ và thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân theo khối lượng công việc thực tế đã thực hiện.
2. Bảo trì theo khối lượng thực tế áp dụng đối với hoạt động sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
3. Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá bảo trì và khối lượng công việc cần thực hiện; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập hồ sơ và dự toán kinh phí phục vụ sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi được giao quản lý; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
4. Căn cứ quyết định phê duyệt dự toán kinh phí của cơ quan nhà nuớc có thẩm quyền; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lựa chọn tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng thực hiện sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.
5. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ được quyết định và chịu trách nhiệm về kinh phí, phương thức thực hiện sửa chữa đột xuất đối với những trường hợp sửa chữa đột xuất cần thiết phải khắc phục ngay.
6. Việc sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế được thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế:
a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;
b) Thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết; được thanh toán kinh phí bảo trì theo công việc thực tế thực hiện; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.
8. Bộ Giao thông vận tải quy định danh mục những trường hợp sửa chữa đột xuất cần thiết phải khắc phục ngay quy định tại Khoản 5 Điều này.
Trên đây là quy định về Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật