Công ty đóng bảo hiểm không đúng với mức lương trả cho người lao động bị xử lý thế nào?

Công ty đóng bảo hiểm không đúng với mức lương trả cho người lao động bị xử lý thế nào? Tôi vào làm cho công ty TNHH vào 2/2012 có thỏa thuận lương sau thử việc là 12 triệu đồng. Sau đó tôi ký HĐLĐ (1 lần duy nhất) với mức lương chính: 10.5 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại lương tôi thực lĩnh khoảng 14 triệu đồng. Tôi tình cờ tra cứu mức đóng BHXH, Y Tế, Thất nghiệp thì biết: Từ 6/2012 đến 8/2014 công ty đóng bảo hiểm với mức đóng là 10.5 triệu đồng; Từ 9/2014 đến 6/2016 công ty chỉ đóng bảo hiểm với mức đóng là 5.4 triệu đồng. Vậy cho hỏi là công ty tự ý hạ mức đóng BHXH, Y Tế, Thất nghiệp của tôi từ 10.5 triệu xuống 5.4 triệu như vậy có đúng pháp luật và qui định không? Nếu như không đúng qui định thì tôi có quyền yêu cầu công ty bồi thường số tiền chênh lệch đóng bảo hiểm này không? Và cơ quan nào sẽ giải quyết khiếu nại này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại các Điều 5, Điều 14 và Điều 18 quy định ban hành kèm theo Quyết định 959/QĐ-BHXH về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thể bảo hiểm y tế thì mức lương dùng làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc là tiền lương tháng được xác định trên cơ sở quy định tại Điều 6 Quyết định 959/QĐ-BHXH:

1. Tiền lương do Nhà nước quy định

1.1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điểm này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

1.2. Người lao động quy định tại Điểm 1.6, Khoản 1 Điều 4 thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.

2. Tiền lương do đơn vị quyết định

2.1. Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong HĐLĐ.

Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động.

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

2.2. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề) thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%.

3. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều này mà cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

Theo đó, mức lương đóng bảo hiểm của bạn được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 6 nêu trên như sau:

+ Từ khi ký kết hợp đồng lao động đến hết tháng 12 năm 2015: mức tiền lương tháng được xác định là mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động là 10,5 triệu đồng.

+ Từ tháng 01/2016 đến nay mức lương đóng bảo hiểm được xác định là tổng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định nêu trên và những thông tin bạn cung cấp thì có căn cứ rõ ràng cho việc công ty nơi bạn làm việc đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đóng các loại bảo hiểm cho bạn không đúng quy định của pháp luật.

Việc xử lý hành vi này được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, công ty nơi bạn đang làm việc còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 26 nêu trên:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình trước tiên bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của công đoàn công ty. Nếu chưa được đáp ứng, bạn có thể làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan bảo hiểm xã hội để được can thiệp.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi công ty đóng bảo hiểm không đúng với mức lương trả cho người lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Quyết định 959/QĐ-BHXH để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào