'Không bị kết tội nếu bắt cướp lại vô tình gây án mạng'
Hậu quả chết người trong trường hợp bạn nêu trên là rất lớn, thể hiện tổn thất tính mạng con người và mất mát rất nhiều cho gia đình nạn nhân, nhưng xét trong phạm vi thông tin bạn nêu cũng như giả định chúng tôi đặt ra, chúng tôi nhận thấy rằng hành vi của người bạn của bạn chưa phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm (các tội xâm phạm đến tính mạng con người được quy định từ Điều 93 đến Điều 102) theo quy định tại BLHS.
Cụ thể, chúng tôi đối chiếu dấu hiệu của hành vi nói trên đối với các hành vi khác trong các điều luật có nội dung liên quan đến hành vi giết người/làm chết người khác để có thể nhìn nhận rõ hơn vấn đề dưới góc độ pháp lý:
Thứ nhất, hành vi chạy theo và đạp ngã xe một người vừa cướp giật tài sản, đang chạy thoát để lấy lại tài sản cho người bị hại thể hiện tinh thần ngăn chặn việc trốn chạy của đối tượng, giúp người bị hại lấy lại tài sản bị cướp. Đây không phải là hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, ý thức của người thực hiện hành vi chỉ muốn ngăn chặn việc trốn chạy của một đối tượng vừa thực hiện hành vi cướp giật tại sản để lấy lại tài sản cho người bị hại. Ở đây không tồn tại ý thức cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân, mà trong ý thức của người thực hiện hành vi chỉ thể hiện hành động có tính nghĩa hiệp, ngăn chặn sự chạy trốn và mong muốn giành lại tài sản bị cướp giật cho người bị hại. Do đó, không đủ dấu hiệu cấu thành “tội giết người” theo Điều 93 BLHS.
Thứ hai, việc đạp ngã xe mô tô (hoặc xe gắn máy) của người khác ngã xuống đường trong lúc người đó phóng xe với tốc độ nhanh, lại không đội mũ bảo hiểm, đường có giải phân cách (con lươn)… thể hiện khả năng rất cao có thể dẫn đến chết người. Người bạn của bạn ý thức điều này nhưng lại đứng trước hoàn cảnh không thể lựa chọn biện pháp khác nên buộc phải đạp ngã xe của đối tượng vừa có hành vi cướp giật tài sản để ngăn chặn việc chạy thoát. Như vậy, người bạn của bạn ý thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng buộc phải lựa chọn việc thực hiện hành vi đó nhằm mục đích đấu tranh chống lại hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người khác. Hơn nữa, không đủ căn cứ để chứng minh người bạn của bạn “cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” theo quy định tại khoản 1, Điều 10 BLHS nên không thể xác định hành vi của người bạn này được thực hiện một cách vô ý. Từ đó, không đủ dấu hiệu cấu thành “tội vô ý làm chết người” theo Điều 98 BLHS.
Thứ ba, hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân đã hoàn thành, do đó việc đuổi theo đạp ngã xe của nạn nhân trong trường hợp này không mang tính chất “phòng vệ”. Bởi vì, hành vi có tính phòng vệ chỉ đặt ra khi nạn nhân trong trường hợp này đang có hành vi vi phạm pháp luật, nghĩa là hành vi cướp giật đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Do vậy, không thể xác định đây là hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 15 BLHS, thế nên không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm về “tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 96 BLHS.
Thứ tư, người bạn của bạn trong trường hợp này không thuộc chủ thể thực hiện nhiệm vụ công theo nghề nghiệp, do công tác như: công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, hải quan, bảo vệ cơ quan… Đồng thời, người bạn của bạn thực hiện hành vi đuổi bắt cướp không phải trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cũng không phải trong trường hợp đang cùng với người có nhiệm vụ cùng thực hiện một nhiệm vụ công (Ví dụ: người này tự nguyện cùng với công an đuổi bắt cướp, hoặc được công an đề nghị giúp đỡ việc bắt cướp…).
Hiện nay, việc người dân tự ý tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân như đuổi bắt trộm, cướp, phòng chống tham nhũng… chưa được quy định là hành vi thực hiện nhiệm vụ công. Như vậy, hành vi của người bạn của bạn không được coi là hành vi thuộc trường hợp đang thi hành công vụ. Thế nên, không phải là dấu hiệu cấu thành “tội làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Điều 97 BLHS.
Thứ năm, khoản 1, Điều 95 quy định “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Tuy nhiên, trường hợp này hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân được thực hiện đối với một người phụ nữ qua đường, không phải cướp giật tài sản của người bạn của bạn hoặc người thân thích của người bạn này, do đó hành vi này không phải là dấu hiệu cấu thành “tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều Điều 95 BLHS.
Thứ sáu, theo mô tả hành vi mà người bạn của bạn thực hiện trong trường hợp này, rõ ràng biểu hiện về mặt hành vi cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra không đủ dấu hiệu cấu thành các tội danh xâm phạm tính mạng con người được quy định ở các điều luật khác trong BLHS bao gồm: “tội giết con mới đẻ” (Điều 94), “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 99), “tội bức tử” (Điều 100), “tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” (Điều 101), “tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 102).
Theo quy định tại khoản 1, Điều 8, “khái niệm tội phạm” của BLHS thì “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự …”.
Như vậy, với hành vi cụ thể này, đối chiếu với các điều luật liên quan đến các tội danh xâm phạm tính mạng con người mà chúng tôi trình bày ở trên, không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do đó hành vi này không được coi là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về nghĩa vụ bồi thường, bạn của bạn có thể phải bồi thường thiệt hại tùy thuộc vào mức độ lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả, mức độ thiệt hại, tổn thất trên thực tế cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật dân sự.
Thư Viện Pháp Luật