Chỉ thị của tỉnh có là văn bản quy phạm pháp luật?
Trước ngày 1/7/2016, theo quy định tại Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004 thì văn bản QPPL của HĐND, UBND là văn bản do HĐND, UBND ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục do Luật này quy định, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực trong phạm vi địa phương, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội ở địa phương theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Văn bản QPPL của HĐND được ban hành dưới hình thức nghị quyết. Văn bản QPPL của UBND được ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị.
Ngày 22/6/2015, Quốc hội đã ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.
Luật Ban hành văn bản QPPL số 17/2008/QH12 và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND số 31/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.
Như vậy, Chỉ thị của UBND tỉnh ban hành và có hiệu lực trước ngày 1/7/2016 là văn bản QPPL.
Quy định hiện hành
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13, QPPL là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Điều 2, Luật này quy định: Văn bản QPPL là văn bản có chứa QPPL, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.
Văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản QPPL.
Điều 4 của Luật này quy đinh hệ thống văn bản QPPL như sau:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật (gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh).
- Quyết định của UBND cấp tỉnh.
- Văn bản QPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện).
- Quyết định của UBND cấp huyện.
- Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
- Quyết định của UBND cấp xã.
Khoản 2 Điều 14 Luật này quy định, nghiêm cấm ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa QPPL.
Trả lời thắc mắc của ông Nguyễn Duy Trung, căn cứ quy định tại Điều 2, Điều 4, Khoản 2 Điều 14Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, kể từ ngày 1/7/2016, Chỉ thị của UBND tỉnh không còn được quy định là loại văn bản trong hệ thống văn bản QPPL. Việc ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL quy định tại Điều 4 của Luật này, nhưng có chứa QPPL là không phù hợp với quy định hiện hành.
Thư Viện Pháp Luật