Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện VNPT

Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện VNPT được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi hiện đang làm việc tại bưu điện huyện. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập tư vấn giúp. Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện VNPT được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Bảo Châu (chau****@gmail.com)

Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện VNPT được quy định tại Điều 67 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 25/2016/NĐ-CP về như sau:

1. Người đại diện là thành viên chuyên trách trong ban quản lý điều hành tại doanh nghiệp khác được hưởng lương, phụ cấp trách nhiệm (nếu có), tiền thưởng và các quyền lợi khác quy định tại Điều lệ doanh nghiệp đó và do doanh nghiệp đó chi trả theo quy định của pháp luật.

2. Người đại diện phần vốn VNPT không chuyên trách tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được hưởng tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác như sau:

a) Thù lao do công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chi trả.

b) Tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng và quyền lợi khác do VNPT chi trả.

3. Người đại diện theo ủy quyền của VNPT tại doanh nghiệp khác khi được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi theo quyết định của công ty cổ phần (trừ trường hợp được mua theo quyền của cổ đông hiện hữu) thì phải báo cáo bằng văn bản cho VNPT. VNPT quyết định bằng văn bản số lượng cổ phần người đại diện theo ủy quyền được mua theo mức độ đóng góp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện theo ủy quyền. Phần còn lại thuộc quyền mua của VNPT. Trường hợp người đại diện theo ủy quyền được cử làm đại diện của VNPT tại nhiều đơn vị, thì được ưu tiên lựa chọn thực hiện quyền mua tại 01 đơn vị. Người đại diện theo ủy quyền của VNPT tại công ty cổ phần có trách nhiệm chuyển phần quyền mua cổ phần còn lại cho VNPT. Trường hợp người đại diện theo ủy quyền của VNPT tại doanh nghiệp khác không báo cáo về việc được quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi tại công ty cổ phần thì bị xem xét miễn nhiệm tư cách đại diện phần vốn VNPT tại doanh nghiệp khác và phải chuyển nhượng lại cho VNPT số cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chênh lệch vượt quá mức được mua theo quy định trên theo giá được mua tại thời điểm phát hành. Trường hợp người đại diện theo ủy quyền của VNPT tại doanh nghiệp khác đã bán cổ phiếu này thì phải nộp lại cho VNPT phần chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu theo giá thị trường tại thời điểm bán với giá mua và chi phí (nếu có).

Trên đây là quy định về Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện VNPT. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 25/2016/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào