Quy định về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển vi phạm giao thông
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA có quy định như sau:
Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Theo thông tin bạn trình trên đường đi làm về qua ngã tư một đoạn thì mình bị cảnh sát tít còi báo hiệu dừng xe và bảo mình vi phạm lỗi vượt đèn đỏ và yêu cầu mình xuất trình giấy tờ xe. Tuy nhiên bạn không xuất trình được giấy tờ tại thời điểm cảnh sát giao thông kiểm tra vì bạn không mang theo, và có yêu cầu bạn mở cốp để kiểm tra. Căn cứ theo tinh thần của Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA về nội dung kiểm soát thì có quan cảnh sát giao thông không được tự ý mở cốp xe để kiểm tra, nhưng cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu bạn mở cốp xe để kiểm tra.
Tại Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Việc bạn không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không xuất trình được giấy tờ theo yêu cầu thì theo quy định của Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì cảnh sát giao thông có quyền tạm giữ phương tiện của bạn.
Bạn cần lưu ý đối với hành vi điều khiển xe gắn máy mà không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bạn sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 6 và Điểm b Khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Đối với hành vi điều khiển xe gắn máy mà không mang giấy đăng ký xe bạn sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển vi phạm giao thông. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật