Đăng ký thường trú tại thủ đô được tiến hành thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi 2013 có quy định như sau:
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.
Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
Tại Khoản 4 Điều 19 Luật thủ đô 2012 có quy định như sau:
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú ở nội thành: Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú.
Theo thông tin bạn trình bày thì bạn đang làm viên chức tại Hà Nội, có giấy tờ xác nhận chức danh nghề nghiệp, quyết định nâng bậc lương. Căn cứ theo quy định của Luật cư trú 2006 và Luật Thủ đô 2012 thì bạn thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội.
Theo quy định Khoản 1 Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP thì Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp đối với trường hợp của bạn là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ( Mặc dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chỉ có chồng bạn đứng tên nhưng nếu Ngôi nhà và đất là tài sản chung của vợ chồng thì vẫn được coi là chỗ ở hợp pháp của bạn).
Bạn hoàn toàn có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú cho bạn trước (Thuộc trường hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật cư trú sửa đổi 2013) sau đó tiến hành nhập khẩu cho chồng và con bạn (Thuộc trường hợp theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Luật cư trú sửa đổi 2013).
Tại Điều 21 Luật cư trú 2006 có quy định hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
+ Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật cư trú 2006;
+ Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật cư trú sửa đổi 2013.
Tại Khoản 2 Điều 28 Luật cư trú 2006 có quy định như sau:
Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Do vậy, nếu khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú vào Quận Hai bà Trưng (Hà Nội) thì gia đình bạn sẽ phải xin giấy chuyển hộ khẩu. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định thì bạn cần liên hệ với Cơ quan công an Quân hai Bà Trưng để nộp hồ sơ. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho bạn; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của ban biên tập Thư Ký Luật về Đăng ký thường trú tại thủ đô. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật cư trú 2006 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật