Sử dụng con dấu đóng vào văn bản cung cấp theo yêu cầu như thế nào?
Điều 25 Nghị định 110/2004/NĐ-CP quy định về việc quản lý và sử dụng con dấu như sau:
"1. Việc quản lý và sử dụng con dấu trong công tác văn thư được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và các quy định của Nghị định này.
2. Con dấu của cơ quan, tổ chức phải được giao cho nhân viên văn thư giữ và đóng dấu tại cơ quan, tổ chức. Nhân viên văn thư có trách nhiệm thực hiện những quy định sau:
a) Không giao con dấu cho người khác khi chưa được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền;
b) Phải tự tay đóng dấu vào các văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức;
c) Chỉ được đóng dấu vào những văn bản, giấy tờ sau khi đã có chữ ký của người có thẩm quyền;
d) Không được đóng dấu khống chỉ.
3. Việc sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức và con dấu của văn phòng hay của đơn vị trong cơ quan, tổ chức được quy định như sau:
a) Những văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức;
b) Những văn bản do văn phòng hay đơn vị ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao phải đóng dấu của văn phòng hay dấu của đơn vị đó."
Theo đó, Khoản 3 Điều 25 Nghị định 110/2004/NĐ-CP được trích dẫn nêu trên có quy định nguyên tắc sử dụng con dấu là chỉ đóng dấu của cơ quan, tổ chức lên những văn bản do cơ quan, tổ chức đó ban hành, những văn bản do văn phòng hay đơn vị ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao phải đóng dấu của văn phòng hay dấu của đơn vị đó. Như vậy, từ những thông tin bạn cung cấp, các văn bản mà đơn vị xin văn bản yêu cầu đóng dấu treo không phải do cơ quan của bạn ban hành mà là của UBND huyện và các cơ quan khác thì cơ quan của bạn không được đóng dấu lên những văn bản này. Thay vào đó bạn có thể ra một văn bản là biên bản giao nhận, cung cấp tài liệu cho đơn vị xin văn bản.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc sử dụng con dấu đóng vào văn bản cung cấp theo yêu cầu. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 110/2004/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật