Yêu cầu kỹ thuật chung trong việc lắp đặt và sử dụng điện trong thi công công trường xây dựng
Yêu cầu kỹ thuật chung trong việc lắp đặt và sử dụng điện trong thi công công trường xây dựng được quy định cụ thể tại Điểm 2.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2014/BXD về An toàn trong xây dựng, theo đó, việc lắp đặt và sử dụng điện trong thi công công trường xây dựng cần phải tuân thủ những yêu cầu sau:
1 Khi lắp đặt, sử dụng, sửa chữa các thiết bị điện và mạng lưới điện thi công trên công trường, ngoài những quy định trong Quy chuẩn này còn phải tuân theo các quy định tại QCVN QTĐ-5: 2009/BCT, QCVN QTĐ-06: 2009/BCT, QCVN QTĐ-07: 2009/BCT, QCVN 01: 2008/BCT và các quy định hiện hành khác về kỹ thuật điện và an toàn điện.
2 Công nhân điện cũng như công nhân vận hành các thiết bị điện, phải được đào tạo và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu về kỹ thuật an toàn điện. Công nhân điện làm việc ở khu vực nào trên công trường, phải nắm vững sơ đồ cung cấp điện của khu vực đó. Công nhân trực điện ở các thiết bị điện có điện áp đến 1 000 V phải có trình độ bậc 4 an toàn điện trở lên.
3 Trên công trường phải có sơ đồ mạng điện, có cầu dao chung và các cầu dao phân đoạn để có thể cắt điện toàn bộ hay từng khu vực công trình khi cần thiết. Phải có hai hệ thống riêng cho điện động lực và điện chiếu sáng.
4 Các phần dẫn điện trần của các thiết bị điện (dây dẫn, thanh dẫn, tiếp điểm của cầu dao, cầu chảy, các cực của máy điện và dụng cụ điện...) phải được bọc kín bằng vật liệu cách điện hoặc đặt ở độ cao đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc thao tác. Các đầu dây dẫn, cáp hở phải được cách điện, bọc kín, hoặc treo cao. Đối với những bộ phận dẫn điện để hở theo yêu cầu trong thiết kế hoặc do yêu cầu của kết cấu, phải treo cao, phải có rào chắn và treo biển báo hiệu.
5 Các dây dẫn phục vụ thi công ở từng khu vực công trình, phải là dây có bọc cách điện; phải mắc trên cột hoặc giá đỡ chắc chắn; phải ở độ cao ít nhất là 2,5 m đối với mặt bằng thi công và 5,0 m đối với nơi có xe cộ qua lại. Các dây điện có độ cao dưới 2,5 m kể từ mặt nền hoặc mặt sàn thao tác, phải dùng dây cáp bọc cao su cách điện. Cáp điện dùng cho máy thi công di động, phải được quấn trên tang hoặc trượt trên rãnh cáp. Không được để chà xát cáp điện trên mặt bằng hoặc để xe cộ chèn qua hay các kết cấu khác đè lên cáp dẫn điện.
6 Các đèn chiếu sáng có điện áp lớn hơn 36 V, phải treo cách mặt sàn thao tác ít nhất là 2,5 m.
7 Không được sử dụng các lưới điện, các cơ cấu phân phối các bảng điện và các nhánh rẽ của chúng có trong quá trình lắp đặt, để thay cho các mạng điện và các thiết bị điện tạm thời sử dụng trên công trường. Không được để dây dẫn điện thi công và các dây điện hàn tiếp xúc với các bộ phận dẫn điện của các kết cấu của công trình.
8 Các thiết bị điện, cáp, vật tiêu thụ điện... ở trên công trường (không kể trong kho) đều phải được coi là điện áp, không phụ thuộc vào việc chúng đã mắc vào lưới điện hay chưa.
9 Các thiết bị đóng ngắt điện dùng để đóng ngắt lưới điện chung tổng hợp và các đường dây phân đoạn cấp điện cho từng khu vực trên công trình, phải được quản lý chặt chẽ sao cho người không có trách nhiệm không thể tự động đóng ngắt điện. Các cầu dao cấp điện cho từng thiết bị hoặc từng nhóm thiết bị phải có khóa chắc chắn. Các thiết bị đóng ngắt điện, cầu dao... phải đặt trong hộp kín, đặt nơi khô ráo, an toàn và thuận tiện cho thao tác và xử lý sự cố. Khi cắt điện, phải bảo đảm các cầu dao hoặc các thiết bị cắt điện khác không thể tự đóng mạch. Trường hợp mất điện phải cắt cầu dao để đề phòng các động cơ điện khởi động bất ngờ khi có điện trở lại. Không được đóng điện đồng thời cho một số thiết bị dùng điện bằng cùng một thiết bị đóng ngắt.
10 Ổ phích cắm dùng cho thiết bị điện di động phải ghi rõ dòng điện lớn nhất của chúng. Cấu tạo của những ổ và phích này phải có tiếp điểm sao cho cực của dây bảo vệ (nối đất hoặc nối không) tiếp xúc trước so với dây pha khi đóng và ngược lại đồng thời loại trừ được khả năng cắm nhầm tiếp điểm. Công tắc điện trên các thiết bị lưu động (trừ các đèn lưu động) phải cắt được tất cả các pha và lắp ngay trên vỏ thiết bị đó. Không được đặt công tắc trên dây di động.
11 Tất cả các thiết bị điện đều phải được bảo vệ ngắn mạch và quá tải. Các thiết bị bảo vệ (cầu chảy, rơle, áptômát...) phải phù hợp với điện áp và dòng điện của thiết bị hoặc nhóm thiết bị điện mà chúng bảo vệ.
12 Tất cả các phần kim loại của thiết bị điện, các thiết bị đóng ngắt điện, thiết bị bảo vệ có thể có điện, khi bộ phận cách điện bị hỏng mà người có khả năng chạm phải, đều phải được nối đất hoặc nối không theo quy định hiện hành về nối đất và nối không các thiết bị điện. Nếu dùng nguồn dự phòng độc lập để cấp điện cho các thiết bị điện, khi lưới điện chung bị mất thì chế độ trung tính của nguồn dự phòng và biện pháp bảo vệ, phải phù hợp với chế độ trung tính và các biện pháp bảo vệ khi dùng lưới điện chung.
13 Khi di chuyển các vật có kích thước lớn dưới các đường dây điện, phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Phải ngắt điện nếu vật di chuyển có khả năng chạm vào đường dây hoặc điện từ đường dây phóng qua vật di chuyển xuống đất.
14 Chỉ người lao động điện được phân công mới được sửa chữa, đấu hoặc ngắt các thiết bị điện ra khỏi lưới điện. Chỉ được tháo mở các bộ phận bao che, tháo nối các dây dẫn vào thiết bị điện, sửa chữa các bộ phận dẫn điện sau khi đã cắt điện. Không được sửa chữa, tháo, nối các dây dẫn và làm các công việc có liên quan tới đường dây tải điện trên không khi đang có điện.
15 Đóng cắt điện để sửa chữa đường dây chính và các đường dây phân nhánh cấp điện cho từ 2 thiết bị điện trở lên, phải có thông báo cho người phụ trách thiết bị. Chỉ được đóng điện trở lại các đường dây này, sau khi đã có sự kiểm tra kỹ lưỡng và có báo cáo bằng văn bản của người phụ trách sửa chữa máy. Sau khi ngắt cầu dao để sửa chữa thiết bị điện riêng lẻ, phải khóa cầu dao và đeo biển cấm đóng điện hoặc cử người trực, tránh trường hợp đóng điện khi đang có người sửa chữa.
16 Chỉ được thay dây chảy trong cầu chảy khi đã cắt điện. Trường hợp không thể cắt điện thì chỉ được làm việc đó với loại cầu chảy ống hoặc loại nắp, nhưng nhất thiết phải lắp phụ tải. Khi thay cầu chảy loại ống đang có điện, phải có kính phòng hộ, găng tay cao su, các dụng cụ cách điện và phải đứng trên tấm thảm, hoặc đi giầy cách điện. Không được thay thế cầu chảy loại bản khi có điện. Khi dùng thang để thay các cầu chảy ở trên cao trong lúc đang có điện phải có người trực ở dưới.
17 Không được tháo và lắp bóng điện khi chưa cắt điện. Trường hợp không cắt được điện thì công nhân làm việc đó phải đeo găng tay cách điện và kính phòng hộ.
18 Không được sử dụng đèn chiếu sáng cố định để làm đèn cầm tay. Những chỗ nguy hiểm về điện phải dùng đèn có điện áp không quá 36 V. Đèn chiếu sáng cầm tay phải có lưới kim loại bảo vệ bóng đèn, dây dẫn phải là dây bọc cao su, lấy điện qua ổ cắm. Ổ cắm và phích cắm dùng điện áp không lớn hơn 36 V, phải có cấu tạo và mầu sơn phân biệt với ổ và phích cắm dùng điện áp cao hơn. Các đèn chiếu sáng chỗ làm việc phải đặt ở độ cao và góc nghiêng phù hợp, để không làm chói mắt do tia sáng trực tiếp từ đèn phát ra.
19 Không cho phép sử dụng các nguồn điện để làm hàng rào bảo vệ công trường.
20 Các dụng cụ điện cầm tay (dụng cụ điện, đèn di động, máy giảm thế an toàn, máy biến tần số...) phải được kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần về hiện tượng chạm mát trên vỏ máy, về tình trạng của dây nối đất bảo vệ; phải được kiểm tra ít nhất mỗi tháng một lần về cách điện của dây dẫn, nguồn điện và chỗ hở điện. Riêng các biến áp lưu động ngoài các điểm trên, còn phải kiểm tra sự chập mạch của cuộn điện áp cao và cuộn điện áp thấp.
21 Không được dùng biến áp tự ngẫu làm nguồn điện cho các đèn chiếu sáng và dụng cụ điện cầm tay có điện áp không lớn hơn 36 V.
22 Chỉ được nối các động cơ điện, dụng cụ điện, đèn chiếu sáng và các thiết bị khác vào lưới điện bằng các phụ kiện quy định. Không được đấu ngoặc, xoắn các đầu dây điện.
Trên đây là tư vấn về yêu cầu kỹ thuật chung trong việc lắp đặt và sử dụng điện trong thi công công trường xây dựng. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2014/BXD về An toàn trong xây dựng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật