Hắt nước vào mặt người khác thì có bị vi phạm gì không?

Hắt nước vào mặt người khác thì có bị vi phạm gì không? Nhà em có thuê thợ làm đá cầu thang là loại đá đắt nhưng người thợ đã đánh cháo 1 phần số cầu thang đó bằng loại đá xấu (Nhà em có gọi mấy người vào xem và ai cũng xác nhận đã bị đánh cháo lẫn đá loại xấu vào). Sau hoàn thiện hết, nhà em còn nợ 2.900.000 VNĐ và có gọi người thợ đó qua lấy nốt tiền. Khi qua lấy tiền người thợ cho vợ anh ta đến lấy tiền. Bố em có nói nhẹ nhàng là bị lẫn đá loại xấu vào thì xem cháu gọi chồng đến đây xem xử lý cho chú thế nào xong chú gửi tiền? Nhưng ngay sau đó chị vợ to tiếng, quát tháo, rồi nói nhà em ăn cướp, không trả tiền. Nói to quá nên bố em đuổi ra ngoài đường nhưng không sử dụng vũ lực gì. Chị vợ cứ đứng đó chửi láo bố em. Do tức giận quá bố em đã té chút nước vào người chị vợ (Chị vợ đang có thai). Sau đó, bố em cầm cái xô nhựa nhỏ dí nhẹ vào đầu nhưng không có chút thương tích hay đau gì. Sau đó người chồng sang nhà em đã ngồi nói chuyện nhẹ nhàng và thanh toán hết tiền theo thỏa thuận 2 bên là 2.000.000 VNĐ. Chị vợ nói là sẽ làm đơn kiện Vậy cho em hỏi nếu chị vợ làm đơn kiện thì bố em có bị phạt gì không? Mức phạt như thế nào ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Căn cứ Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.

Trong trường hợp của gia đình bạn, đối với hành vi đánh nhau không gây thương tích của bố bạn đối với chị vợ thì không phát sinh trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự vì không đủ căn cứ cấu thành tội phạm hình sự cũng như không có thiệt hại, không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, đối với hành vi của bố bạn, nếu có tố giác của chị vợ với cơ quan có thẩm quyền thì bố bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại  Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nêu trên. Mức xử phạt về hành vi đánh nhau giao động từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, chị vợ cũng có những lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm của gia đình bạn. Đối với hành vi này của chị vợ, gia đình bạn cũng có thể trình báo với cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết. Đối với hành vi này, chị vợ cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi hắt nước vào mặt người khác. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 167/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào