Thẩm quyền của Hiệu trưởng trong việc quản lý giáo viên trong trường
Căn cứ Điều 19 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, tường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng như sau:
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng
a) Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;
b) Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường được quy định tại khoản 3 Điều 20 của Điều lệ này;
c) Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;
d) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;
đ) Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;
e) Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;
g) Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;
h) Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường;
i) Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;
k) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Hiệu trưởng
a) Thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về nhiệm vụ được Hiệu trưởng phân công;
b) Cùng với Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được giao;
c) Thay mặt Hiệu trưởng điều hành hoạt động của nhà trường khi được Hiệu trưởng uỷ quyền;
d) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 19 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, tường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, tường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có quyền hạn, trách nhiệm quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước.
Theo Điểm c Khoản 2 Điều 11 Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ban hành điều lệ trường đại học quy định về Hiệu trưởng trường đại học nêu trên, Hiệu trưởng trường đại học có quyền tổ chức tuyển dụng, quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, Hiệu trưởng trường đại học có quyền quản lý và sử dụng giảng viên, đồng thời xây dựng quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, người lao động trình hội đồng trường thông qua theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 11 Quyết định 70/2014/QĐ-TTg nêu trên.
Như vậy, pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng không có quy định cụ thể về vấn đề được phép điều động, chuyển giáo viên thành nhân viên giáo vụ. Tuy nhiên, bạn là giáo viên trường học nếu được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng làm việc thì áp dụng quy định của Luật viên chức 2010. Theo đó, bạn làm việc theo hợp đồng làm việc thì công việc được tuyển dụng phải phù hợp với công việc thực tế và hợp đồng việc làm. Nếu như công việc làm nhân viên giáo vụ hoàn toàn không đúng với vị trí công việc giáo viên mà bạn được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng làm việc thì việc điều động của hiệu trưởng là không đúng theo giao kết đã thoả thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp đó bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền của Hiệu trưởng trong việc quản lý giáo viên trong trường. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật