Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc quản lý kinh doanh xuất khẩu gạo là gì?
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định tại Khoản 5 Điều 23 Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo như sau:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất lúa, bảo đảm cơ cấu giống, chỉ đạo việc cung ứng vật tư, kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu của thị trường; kiểm tra hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ thóc, gạo trên địa bàn; quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo trên địa bàn; chỉ đạo việc mua thóc, gạo trực tiếp từ người sản xuất và mua thông qua hợp đồng ký với người sản xuất theo chính sách hiện hành của Nhà nước.
b) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch thóc, gạo trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
c) Chỉ đạo các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tổ chức điều tra, khảo sát chi phí sản xuất và tính giá thành sản xuất lúa từng vụ trên địa bàn theo quy định của Nghị định này và hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn trong việc chấp hành quy định và tuân thủ sự chỉ đạo điều hành của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này.
d) Tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân địa phương thực hiện sản xuất lúa theo quy hoạch và định hướng chung của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thóc, gạo.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý kinh doanh xuất khẩu gạo. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP.
Trân trọng!