Về việc xử lý hộ chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường
Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 78 của Luật này. Nội dung cụ thể như sau:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
- Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau: Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải; Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
Theo thông tin bạn cung cấp, hộ gia đình bên cạnh nhà bạn khi chăn nuôi đã vi phạm quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi trường. Hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của gia đình, bạn có thể gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.
Thư Viện Pháp Luật