Xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn

Xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được quy định như thế nào? Ba tôi là một cán bộ huyện, ông làm việc chủ yếu về các công tác liên quan đến khuyến nông, phát triển ngành nghề nông thôn. Gần đây ba tôi có tham gia báo cáo một số hoạt động liên quan lĩnh vực này, tuy chúng tôi có tìm hiểu qua nhưng vẫn chưa rõ quy định trên. Và văn bản nào điều chỉnh vấn đề này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp chúng tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Bảo Vĩnh, Tp.HCM.

Xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được hướng dẫn tại Phần 3 Thông tư 116/2006/TT-BNN hướng dẫn Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo đó:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN 

1. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được xây dựng theo từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước. Việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thực hiện theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. 

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Chính phủ. 

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN 

1. Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển ngành nghề nông thôn trên các vùng lãnh thổ, đi sâu phân tích cơ cấu sản phẩm chủ yếu, vùng nguyên liệu, công nghệ, lao động, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng và về môi trường. 

2. Phân tích, dự báo các yếu tố phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có phân tích, dự báo đầy đủ yếu tố tác động đến sự phát triển của làng nghề, nhất là về thị trường, yêu cầu về năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. 

3. Xác định vị trí, vai trò của ngành nghề nông thôn đối với kinh tế địa phương và các mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn. 

4. Luận chứng các phương án phát triển ngành nghề nông thôn, các sản phẩm chủ yếu và các điều kiện đảm bảo mục tiêu quy hoạch được thực hiện, như: nguồn nguyên liệu, công nghệ, lao động... 

5. Xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề với nội dung: bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch; phát triển làng nghề mới. 

6. Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách và đề xuất các phương án tổ chức thực hiện. 

7. Thể hiện các phương án quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên bản đồ quy hoạch. 

III. THỰC HIỆN XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN 

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn trong toàn quốc. 

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Việc xây dựng danh mục các chương trình, dự án đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn có tính toán cân đối nguồn vốn để bảo đảm thực hiện, trong đó có chia ra giai đoạn từ 2007- 2010 và giai đoạn 2010- 2020. 

Ưu tiên xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề với các đề án, dự án: bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch và phát triển làng nghề mới gắn với thị trường trong và ngoài nước. 

IV. NGUỒN KINH PHÍ 

Kinh phí lập quy hoạch, định mức, đơn giá, chi phí cho lập, thẩm định dự án quy hoạch căn cứ theo Điều 8, Điều 9 của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và văn bản hướng dẫn thi hành.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, được quy định tại Thông tư 116/2006/TT-BNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào