Người nhiễm HIV/AIDS được bảo mật khi tham gia BHYT
Theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, những hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết về việc một người bị nhiễm HIV mà chưa được sự đồng ý của người đó thì bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được quy định tại Điều 30 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006. Cũng theo quy định tại Điều 30 của Luật này, kết quả xét nghiệm HIV dương tính được quyền thông báo cho người có trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế.
Như vậy, việc bảo mật thông tin về quá trình KCB HIV/AIDS đã được quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức (bao gồm cả người làm việc tại cơ sở y tế, cơ quan BHXH) vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thực tế, hiện có trên 106.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở y tế. Quy trình cung cấp dịch vụ cho các bệnh nhân này thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2013/TT-BYT ngày 17/10/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV và người phơi nhiễm HIV, các dịch vụ điều trị HIV/AIDS, bao gồm cung cấp thuốc, xét nghiệm, tư vấn vẫn đang được các cơ sở y tế thực hiện.
Việc người nhiễm HIV có thẻ BHYT khi KCB không làm thay đổi quy trình này, chỉ khác về nguồn kinh phí để chi trả cho các dịch vụ liên quan đến KCB HIV/AIDS là từ quỹ BHYT thay vì từ nguồn quỹ của các chương trình, dự án thông qua hợp đồng giữa cơ quan BHXH với cơ sở y tế.
Hiện nay, nhiều trường hợp người nhiễm HIV có thẻ BHYT mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc có bệnh khác kèm theo cũng đang được KCB và được quỹ BHYT chi trả theo quy định. Do đó, sự lo ngại về việc KCB BHYT sẽ làm lộ bí mật của người bệnh là chưa có cơ sở.
Quy định KCB mới giảm thiểu tác động tiêu cực đến người nhiễm HIV
Trong bối cảnh vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, đồng thời với việc tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ KCB, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 hướng dẫn KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS.
Theo Thông tư này, ngoài các quy định chung áp dụng đối với người tham gia BHYT còn bổ sung một số quy định góp phần giảm thiểu những tác động của tình trạng phân biệt đối xử hoặc bộc lộ thông tin liên quan đến người nhiễm HIV mà vẫn đáp ứng nhu cầu KCB về HIV/AIDS, cụ thể:
Về việc đăng ký KCB ban đầu, người nhiễm HIV tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB BHYT tuyến xã, tuyến huyện mà không phân biệt địa giới hành chính phù hợp với nơi làm việc, cư trú. Trường hợp có nhu cầu, người tham gia BHYT bị nhiễm HIV được đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB BHYT có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS trong địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện.
Người tham gia BHYT nhiễm HIV đang KCB tại các cơ sở y tế có điều trị bằng thuốc ARV khi có nhu cầu thì tiếp tục được khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS tại cơ sở đó để bảo đảm thuận lợi trong tiếp cận điều trị, duy trì sự ổn định và hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị và phòng chống HIV/AIDS.
Người tham gia BHYT nhiễm HIV được thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu vào đầu mỗi quý theo hướng dẫn của tổ chức BHXH nơi phát hành thẻ BHYT.
Như vậy, trường hợp khi tham gia BHYT nếu cơ sở KCB BHYT không phù hợp, người bệnh sẽ được quyền chuyển cơ sở KCB ban đầu phù hợp đối với người bệnh.
Các cơ sở y tế, cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BHYT, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, quy định về KCB HIV/AIDS khi tổ chức KCB và thanh toán chi phí.
Thư Viện Pháp Luật