Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp trong phòng, chống bệnh dại
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp trong phòng, chống bệnh dại được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật, bao gồm:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại cho động vật bao gồm: tiêm phòng vắc xin, giám sát động vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại; tiêu hủy động vật mắc bệnh dại và các sản phẩm của chúng; giết mổ động vật, mổ xác động vật để lấy mẫu; bao gói, gửi bệnh phẩm chẩn đoán bệnh dại; đăng ký nuôi chó, quản lý chó nuôi, tiêu huỷ chó vô chủ;
b) Chủ trì xây dựng Chương trình khống chế, thanh toán bệnh dại ở động vật và ở người, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật trong phạm vi cả nước;
d) Thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại cho động vật trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người; tổ chức điều trị dự phòng, khám, tư vấn về phòng, chống bệnh dại ở người; tiêm phòng, theo dõi, điều trị đối với người bị động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại cắn, cào;
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình khống chế, thanh toán bệnh dại ở động vật và ở người; chỉ đạo thực hiện chương trình sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại ở người trong phạm vi cả nước;
d) Thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại cho người trong phạm vi cả nước.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện chương trình phòng, chống bệnh dại trên địa bàn;
b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Nghị định này và tại Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
c) Chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo; áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng bệnh dại cho động vật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại cho người và động vật.
Đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) quy định việc bắt giữ; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; tiêu hủy chó trong trường hợp sau 48 giờ, kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp trong phòng, chống bệnh dại, được quy định tại Nghị định 05/2007/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật