Chi phí bồi thường chữa bệnh khi gây tai nạn giao thông
Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì Chi phí hợp lý bao gồm: Các khoản chi phí hợp lý khám chữa bệnh là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.
Có thể hiểu chi phí hợp lý tiền khám chữa bệnh là chi phí thực chi và có các chứng từ chứng minh việc chi đó phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Chứng từ ở đây là các hoá đơn, phiếu khám chữa bệnh, hóa đơn mua thuốc... và căn cứ vào điều kiện kinh tế của người gây ra thiệt hại để xác định được mức bồi thường hợp lý.
Trong trường hợp này, bạn va xe vào bà đi xe đạp, bạn đã gọi xe đưa bà đi viên kiểm tra, chụp nhưng không việc gì,về nhà người chỉ đau do va đập xuông đất. Bạn có găp gia đình xin lỗi và xin bồi thường về chi phí khám chữa bệnh, nhưng con trai bà đòi 40 triệu đồng nếu không thì đưa ra tòa. Theo quy định trên, chi phí hợp lý khám chữa bệnh là các chi phí thực chi và các chứng từ chứng minh được các khoản chi đó phục vụ cho việc khám chữa bệnh như: tiền viện phí, tiền thuốc, khám chữa bệnh, chụp X quang…và phải được chứng minh bằng các hóa đơn, phiếu khám chữa bệnh…
Theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Việc con trai của bà đòi 40 triệu đồng có thể bao gồm các chi phí tại Điều 590 Bộ Luật dân sự 2015 như: chi phí hợp lý cho việc bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và bị giảm sút, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Ngoài ra còn thể bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu… Việc con trai bà đòi bồi thường 40 cần có căn cứ, các giấy tờ chứng minh cũng như hai bên thỏa thuận
Ngoài ra, hai bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Bạn có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chi phí bồi thường chữa bệnh khi gây tai nạn giao thông. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật