Kháng cáo vì bản án quá nặng
Ba em bị kết án giả mạo chữ ký, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án 2 năm 8 tháng tù giam, trong khi số tiền ba em nhận chỉ 1 triệu đồng; hơn nữa, ba em lại kết án là đồng phạm với vai trò của người chủ mưu. Em thấy mức án dành cho ba em là quá cao. Em muốn kháng cáo có được không?
Theo quy định tại Điều 231, 233, 234, 235 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì:
- Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Do vậy, ba của bạn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án đã tuyên nếu thấy mức án quá cao.
- Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo. Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
- Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.
Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.
Bạn có thể căn cứ vào các quy định nêu trên để thực hiện các thủ tục cần thiết và giải quyết trường hợp của ba bạn.
Thư Viện Pháp Luật