Nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án

Nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án được quy định thế nào? Chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Đào, đang sinh sống tại Tiền Giang. Tôi có một thắc mắc rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Ban biên tập cho tôi hỏi nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án được quy định thế nào? Vấn đề này được quy định ở đâu? Rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Xin cám ơn. (Hồng Đào_093***)

Nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 2 Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, theo đó, nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:

1. Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 5 của Luật xử lý vi phạm hành chính; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên còn phải bảo đảm các quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 134 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do một Thẩm phán thực hiện.

3. Khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

4. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp.

5. Tiếng nói, chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án là tiếng Việt.

Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người bị đề nghị) hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch.

6. Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Tòa án bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

7. Bảo đảm quyền của người bị đề nghị được giải trình trước Tòa án, tranh luận với cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

8. Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Trên đây là tư vấn về nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Biện pháp xử lý hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào