Bố chồng đánh nàng dâu thì xử lý thế nào?
Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định Các hành vi bạo lực gia đình như sau:
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Như vậy, trường hợp những người là thành viên trong gia đình có hành vi đánh đập, ngược đãi thành viên khác là hành vi bạo lực gia đình. Theo thông tin bạn cung cấp, bố chồng bạn có hành vi bạo hành, đuổi bạn ra khỏi nhà, đồng thời đòi bắt con của bạn không cho nuôi, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên làm đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp xã nơi bố chồng bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
Mặt khác, theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăn sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con trừ trường hợp cha/mẹ bị hạn chế quyền nuôi con theo quyết định của Tòa án.
Do đó, bạn là mẹ thì bạn hoàn toàn có quyền nuôi con. Bố chồng bạn là ông nội không có quyền nuôi cháu trừ trường hợp chứng minh được bạn không có đủ điều kiện nuôi con. Điều kiện nuôi con được xem xét dựa trên 02 điều kiện chính: kinh tế và nhân thân.
- Kinh tế: Có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho con.
- Nhân thân: Có nhân thân tốt, chưa từng phạm tội, không có hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu bạn đảm bảo được 02 điều kiện trên thì bạn sẽ giành được quyền nuôi con. Để giành được quyền nuôi con, bạn làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bố chồng bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý hành vi bố chồng đánh nàng dâu. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật