Người có quyền yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm
Căn cứ Điều 13 Nghị định 83/2010/NĐ-CP quy định các trường hợp xóa đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm;
b) Hủy bỏ hoặc thay thế giao dịch bảo đảm đã đăng ký bằng giao dịch bảo đảm khác;
c) Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác;
d) Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm;
đ) Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ giao dịch bảo đảm, tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu, đơn phương chấm dứt giao dịch bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt giao dịch bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
g) Theo thỏa thuận của các bên.
2. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì khi yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp theo, người yêu cầu đăng ký không phải xóa đăng ký đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký trước đó.
Theo quy định trên, thì một trong những căn cứ để yêu cầu xóa giao dịch bảo đảm là chấm dứt nghĩa vụ nghĩa vụ được bảo đảm.
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 83/2010/NĐ-CP quy định Người yêu cầu đăng ký, nghĩa vụ và trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký: "Người yêu cầu đăng ký là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc người được một trong các chủ thể này ủy quyền. Trong trường hợp thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó."
Đối chiếu theo quy định trên, bà A đã đăng ký giao dịch bảo đảm tại một ngân hàng, sau đó, nghĩa vụ được bảo đảm đã được chấm dứt, nhưng bà A không làm thủ tục xóa đăng ký giao dịch bảo đảm mà chuyển nhượng bằng hợp đồng viết tay cho ông B vào đầu năm 2014, sau đó, B chuyển nhượng cho C thông qua hợp đồng công chứng thì phát hiện quyền sử dụng đất đang được đăng ký giao dịch bảo đảm tại ngân hàng nên không thực hiện thủ tục sang tên cho C. Như vậy, trong trường hợp này, để xóa đăng ký giao dịch bảo đảm, phải do bà A yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc bà A ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này.
Theo như bạn nói, đầu năm 2014 A chuyển nhượng cho C thông qua giấy tờ viết tay. Bạn không nói rõ thời điểm chuyển nhượng, tuy nhiên theo quy định Luật đất đai 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực; trường hợp hợp đồng của B và A là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất viết tay, không có công chứng, chứng thực do đó hợp đồng này sẽ bị vô hiệu theo Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015, do đó không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, trong trường hợp này, B không phải là chủ sở hữu.
Do đó, để xóa đăng ký giao dịch bảo đảm, phải do bà A yêu cầu ngân hàng xóa đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về người có quyền yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 83/2010/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật