Yêu cầu được làm giám hộ khi bác già yếu và không có gia đình được không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 thì: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Người được giám hộ theo Điều 47 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật chỉ quy định hai trường hợp cần có người giám hộ là người chưa thành niên rơi vào trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên và người mất năng lực hành vi dân sự.
Ở đây, bạn có nói bác bạn 75 tuổi, nếu bác không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự thì không cần người giám hộ và bạn không thể làm người giám hộ cho bác bạn. Về vấn đề chăm sóc cho bác bạn, bạn vẫn có thể chăm sóc bác với tình cảm thân thiết trong gia đình. Bên cạnh đó, có những vấn đề cần phải được pháp luật công nhận bạn mới có thể tiến hành thực hiện thay cho bác bạn, trong trường hợp này bạn có thể đề nghị bác bạn ủy quyền cho bạn làm người đại diện để thực hiện.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về yêu cầu được làm giám hộ khi bác già yếu. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật