Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020

Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Em đang học ngành kinh tế, em rất quan tâm tới kinh tế công và do cũng đang thực hiện một đề tài nghiên cứu có liên quan nên rất mong các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời thắc mắc trên giùm em. Em cảm ơn rất nhiều! Hương Nguyễn, Tp.HCM.

Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 được hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 (có hiệu lực từ ngày 15/02/2017), theo đó bao gồm các nhóm sau:

I. NHỮNG DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ, HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:

1. Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

3. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối; thủy điện đa mục tiêu, điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

4. Quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.

5. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.

6. Bảo đảm hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng).

7. Bưu chính công ích.

8. Kinh doanh xổ số.

9. Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm).

10. In, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng.

11. Tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng.

II. NHỮNG DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN SẮP XẾP, CỔ PHẦN HÓA, NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TỪ 65% VỐN ĐIỀU LỆ TRỞ LÊN, HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:

1. Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay.

2. Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.

3. Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng.

4. Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.

5. Tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).

III. NHỮNG DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN SẮP XẾP, CỔ PHẦN HÓA, NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TRÊN 50% ĐẾN DƯỚI 65% VỐN ĐIỀU LỆ, HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU:

1. Sản xuất hóa chất cơ bản.

2. Vận chuyển hàng không.

3. Những doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lơn của nền kinh tế, bình ổn thị trường, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau:

a) Bán buôn gạo;

b) Đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

4. Sản xuất thuốc lá điếu.

5. Cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng.

6. Trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.

7. Những doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

8. Kinh doanh bán lẻ điện (phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực).

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020, được quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào