Đề án sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng được quy định như thế nào?
Đề án sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 13 Thông tư 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng như sau:
1. Đề án sáp nhập, hợp nhất phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất thông qua và được người đại diện hợp pháp của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất cùng ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm.
2. Đề án sáp nhập, hợp nhất tối thiểu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ, trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất;
b) Tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của chủ sở hữu, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất;
c) Lý do sáp nhập, hợp nhất;
d) Tóm tắt tình hình tài chính và kết quả hoạt động của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận nguyên tắc sáp nhập, hợp nhất;
đ) Giá trị thực của vốn điều lệ, nợ xấu, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và việc tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ này của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất trước khi sáp nhập, hợp nhất; vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất;
e) Lộ trình sáp nhập, hợp nhất;
g) Phương thức và thời gian chuyển đổi vốn góp, vốn cổ phần; các hình thức chuyển đổi vốn góp, vốn cổ phần và tỷ lệ chuyển đổi tương ứng;
h) Việc tổ chức cuộc họp của cơ quan có thẩm quyền quyết định của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất với điều kiện, thành phần, thể thức họp, cách thức biểu quyết theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng để thông qua việc sáp nhập, hợp nhất; việc ủy quyền cho tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, tổ chức tín dụng đại diện tổ chức triệu tập cuộc họp này;
i) Quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, các tổ chức và cá nhân có liên quan (nếu có);
k) Phương án xử lý đối với người lao động làm việc tại tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất;
l) Danh sách và tỷ lệ góp vốn của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất;
m) Dự kiến về sơ đồ tổ chức, nhân sự, mạng lưới hoạt động và các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất;
n) Biện pháp chuyển đổi, kết hợp hệ thống thông tin quản lý, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống truyền dữ liệu để đảm bảo thông suốt hoạt động trong và sau sáp nhập, hợp nhất;
o) Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu của tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất, trong đó tối thiểu phải bao gồm các nội dung: Phân tích thị trường, chiến lược, mục tiêu và kế hoạch kinh doanh; các báo cáo tài chính dự kiến của từng năm (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và thuyết minh khả năng thực hiện các chỉ tiêu tài chính trong từng năm);
p) Đánh giá tác động và phương án xử lý (nếu có) của việc sáp nhập, hợp nhất nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất và an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng;
q) Việc tuân thủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
Trên đây là quy định về Đề án sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 36/2015/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật