Đưa tiền để chạy việc có vi phạm gì không?
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 thì một trong những trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu là do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn đã đưa 200 triệu cho ông A và nhờ ông A xin việc cho mình. Đây là một giao dịch dân sư vô hiệu do nội dung của giao dịch là đưa tiền chạy việc đây là hành vi trái đạo đức xã hội và vi phạm điều cấm của pháp luật. Khu giao dịch dân sự vô hiệu các bên phải hoàn trả lại những gì đã nhận. Ông A đã hoàn trả lại tiền cho bạn, nhưng lại phát sinh tranh chấp giữa ông A với người khác về khoản tiền mà bạn nhờ ông A xin việc. Khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền thì bạn nên chấp hành giấy triệu tập này với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, việc dùng tiền để xin việc này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ, người trung gian hứa xin việc hộ sẽ bị truy cứu về tội môi giới hối lộ và người nhận tiền và xin việc cho bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự. Vì thế trong trường hợp này của bạn, do không xin được việc nên ông a đã trả lại tài sản cho bạn. Chính vì vậy bạn sẽ bị truy cứu tách nhiệm về tội đưa hối lộ.
Cụ thể, theo Điều 289 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; Phạm tội nhiều lần; Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Trong tình huống của bạn. Bạn đã đưa cho ông A 200 triệu đồng để nhờ xin việc, Như vậy, theo quy định của pháp luật bạn có tình tiết tăng nặng theo khoản 3 Điều 289 là tài sản đưa hối lộ từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng. Chính vì thế,bạn nên đến cơ quan công an chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì bạn có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 6 Điều 289 Bộ Luật hình sự 1999.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chịu trách nhiệm khi đưa tiền chạy việc. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ Luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật