Các loại thuế phải đóng khi kinh doanh vận tải hành khách
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn dự định thành lập công ty TNHH 2 thành viên, kinh doanh vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương, là đơn vị thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải. Theo quy định pháp luật, các loại thuế đơn vị bạn phải nộp gồm:
Thứ nhất: Thuế môn bài:
Căn cứ Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Thông tư 302/2016/TT-BTC quy định mức thu lệ phí môn bài như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Tổ chức nêu tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Thứ hai: Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT
Tỷ lệ thuế GTGT là 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Thứ ba: Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế thu nhập doanh nghiệp = thu nhập tính thuế x thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Thu nhập tính thuế = Thu nhập thuế - (Thu nhập được miễn thuế + các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định).
+ thu nhập chịu thuế = Doanh thu - chi phí được trừ + các khoản thu nhập khác.
Tỷ lệ thuế GTGT được áp theo bảng tỷ lệ do Bộ tài chính ban hành.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các loại thuế phải đóng khi kinh doanh vận tải hành khách. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 86/2014/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật