Báo cáo chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình

Chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình được báo cáo như thế nào? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến quy chế tự kiểm tra, giám sát và báo cáo chất lượng, dịch vụ phát thanh, truyền hình, nhưng những quy định của pháp luật về vấn đề này thì tôi chưa được rõ lắm. Vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình được báo cáo như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Trúc Diễm (diem***@gmail.com)

Báo cáo chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình được quy định tại Điều 11 Thông tư 24/2016/TT-BTTTT quy định về quản lý chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành như sau:

1. Đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu (06) tháng một lần. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày ba mươi mốt (31) của tháng một (01) và trước ngày ba mươi mốt (31) của tháng bảy (07) hàng năm, bao gồm:

a) Kết quả tự kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định tại Thông tư này;

b) Số liệu báo cáo chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình phải có kết quả đo kiểm tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Giấy phép. Việc đo kiểm, đánh giá phải thực hiện đối với từng loại hình dịch vụ do đơn vị cung cấp.

2. Định kỳ hai mươi bốn (24) tháng một lần, báo cáo kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình của đơn vị cung cấp dịch vụ phải do đơn vị đo kiểm được chỉ định thực hiện.

3. Số mẫu đo kiểm

Phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dịch vụ và đảm bảo yêu cầu, như sau:

a) Đối với dịch vụ truyền hình qua vệ tinh: Số mẫu tối thiểu tương ứng với số lượng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp;

b) Đối với dịch vụ truyền hình mặt đất: Số mẫu tối thiểu tương ứng với số lượng trạm phát sóng phù hợp với vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp;

c) Đối với dịch vụ truyền hình cáp: Số mẫu tối thiểu tương ứng với số lượng điểm tập trung thuê bao gần với thuê bao nhất, phù hợp với phạm vi thiết lập mạng của doanh nghiệp.

4. Kết quả kiểm tra phải được lập thành văn bản theo mẫu tại Phụ lục V của Thông tư này về “Báo cáo định kỳ chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình”, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính về Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử kèm theo bản điện tử về địa chỉ hòm thư điện tử baocaoptth@mic.gov.vn.

5. Đơn vị cung cấp dịch vụ có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện “Báo cáo định kỳ chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình” theo mẫu tại Phụ lục VI của Thông tư này gửi về Sở Thông tin và Truyền thông nơi có đăng ký hoạt động của trụ sở chính hoặc chi nhánh.

6. Đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm lưu trữ các số liệu, tài liệu sử dụng để lập báo cáo chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình ít nhất là hai mươi bốn (24) tháng kể từ ngày báo cáo. Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm:

a) Giải trình, cung cấp số liệu, tài liệu sử dụng để lập báo cáo và chịu trách nhiệm về tính kịp thời, chính xác và đầy đủ đối với các nội dung của số liệu, tài liệu sử dụng để lập báo cáo;

b) Hỗ trợ kỹ thuật để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm tra số liệu.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về báo cáo chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 24/2016/TT-BTTTT.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào