Xây dựng nhà trên đất nông nghiệp bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp đất của bạn là đất nông nghiệp có xây dựng nhà ở tức là bạn đang sử dụng đất sai mục đích sử dụng đất được cho phép. Do vậy, trong trường hợp này, trước khi làm thủ tục tách thửa bạn phải chịu hình thức xử lý của pháp luật về hành vi sử dụng đất sai mục đích sử dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầy của đất trước khi vi phạm.
Căn cứ Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép như sau:
1. Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Như vậy, tuỳ thuộc vào trường hợp cụ thể mà bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Sau khi đã chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm của mình và khôi phục tình trạng ban đầu của đất thì bạn mới có thể thực hiện thủ tục tách thửa. Điều kiện tách thửa đất về diện tích tối thiểu để tách thửa do từng địa phương quy định. Trong trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về đất bạn có thể liên hệ với Sở Tài Nguyên Môi trường tại địa phương để tham khảo quy định về diện tích đất tối thiểu để tách thửa.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý hành vi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đất đai 2013 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật