Cách làm di chúc hợp pháp
Để thuận tiện thì bạn không nên lập di chúc làm gì cho phiền phức mà nên yêu cầu mẹ bạn lập hẳn một hợp đồng tặng cho tài sản cho riêng bạn. Bạn nên đến Phòng công chứng của tỉnh để cơ quan này hướng dẫn bạn các thông tin cụ thể về hợp đồng tặng cho tài sản. Khi đi, bạn nên cầm theo giấy tờ tùy thân của bạn và mẹ bạn cùng với các giấy tờ chứng minh về tài sản để làm căn cứ cho việc lập hợp đồng tặng cho.
Nếu vì những lý do khác nhau mà bạn muốn mẹ bạn lập di chúc thì di chúc này có nhiều cách để lập nhưng căn cứ vào dữ liệu bạn cung cấp, thì theo chúng tôi bạn nên yêu cầu mẹ bạn lập di chúc tại UBND cấp xã, phường hay phòng công chứng. Di chúc này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Nếu vì sức khỏe mẹ bạn không đến các cơ quan trên để làm di chúc thì bạn có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Bộ Luật Dân sự cũng quy định: Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào; trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật; Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Thư Viện Pháp Luật