Thanh tra tỉnh có được thanh tra và thu thuế đối với các doanh nghiệp không có vốn điều lệ nhà nước hay không?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, trong đó thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó. Trên thực tế hiện nay, hoạt động thanh tra chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản khác nhau, tập trung vào hai hệ thống chính là hệ thống văn bản về thanh tra gồm Luật thanh tra và văn bản hướng dẫn thi hành, và hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành, như chuyên ngành về thuế, chuyên ngành xây dựng, chuyên ngành y tế… Mặc dù không chính xác 100%, nhưng cách nhanh nhất để xác định thẩm quyền thanh tra là xem đối tượng thanh tra trực thuộc quyền quản lý trực tiếp của đơn vị nào thì đơn vị đó sẽ có quyền thực hiện quyền thanh tra.
Ở cấp tỉnh, có thanh tra tỉnh và Thanh tra sở, trong đó thanh tra cấp tỉnh chủ yếu thực hiện việc thanh tra hành chính và thanh tra các sở chủ yếu thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành. Đối với lĩnh vực thuế, đơn vị thực hiện hoạt động tranh tra chuyên ngành là thanh tra Cục thuế tỉnh.
Trong hoạt động thanh tra, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập;
b) Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;
d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi cần thiết.
Với quy định như trên, rất khó để xác định Thanh tra tỉnh có quyền thực hiện việc thanh tra đối với các doanh nghiệp khối tư nhân về lĩnh vực thuế hay không. Do đó, bản thân Luật Thanh tra và văn bản hướng dẫn thi hành không thể trả lời một cách chính xác được việc này.
Như vậy, để trả lời câu hỏi là Thanh tra tỉnh có được quyền thanh tra các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hay không, cần tham chiếu tới văn bản chuyên ngành, trong đó Luật quản lý thuế là văn bản có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực thuế. Theo Điều 10 Luật quản lý thuế 2006 thì một trong số các trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thuế là “Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thuế”, và tại Điều 11, một trong số các trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế là “Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế”.
Nhìn vào quy định trên đây, có thể thấy rằng, UBND cấp tỉnh chỉ có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế mà không có trách nhiệm về việc thanh tra. Do đó, có thể nói, việc thanh tra thuế không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Do không thuộc thẩm quyền của mình nên UBND cấp tỉnh không thể giao cho Thanh tra tỉnh thực hiện việc thanh tra về việc thực hiện pháp luật về thuế.
Thư Viện Pháp Luật