Quy định về công việc thuộc danh mục nghề độc hại
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật lao động 2012:
“Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”.
Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH:
“1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động).
2. Mức bồi dưỡng:
a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
- Mức 1: 10.000 đồng;
- Mức 2: 15.000 đồng;
- Mức 3: 20.000 đồng;
- Mức 4: 25.000 đồng.
b) Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này."
Nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 36/2012/TT- BLĐTBXH.
Theo Danh mục tại Quyết định 1629/LĐTBXH-QĐ, mục XIX thì sửa chữa máy in được coi là được coi là công việc có điều kiện lao động loại IV vì tiếp xúc với hóa chất độc và dầu mỡ. Như vậy, công việc của bạn được coi là nghề độc hại do đó bạn được bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định trên.
Bảo trì điện, điện lạnh nếu làm việc trong các ngành nghề như khai khoáng, luyện kim, điện lực theo Danh mục ngành nghề nguy hiểm, độc hại ban hành kèm theo Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH thì mới được hưởng chế độ độc hại. Còn nếu làm ở bệnh viện thì chưa có quy định về chế độ làm việc trong môi trường độc hại.
Lái xe cấp cứu chưa được quy định trong các danh mục ngành nghề nguy hiểm, độc hại nêu trên nên sẽ không được hưởng chế độ làm việc trong môi trường độc hại.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về công việc thuộc danh mục nghề độc hại. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật