Tội giết người là ân nhân của mình được quy định thế nào theo pháp luật
Giết người là ân nhân của mình thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự)
Được coi là ân nhân của người phạm tội trong trường hợp nạn nhân là người đã có công giúp đỡ người này trong lúc khó khăn mà bản thân không thể tự mình khắc phục được. Việc giúp đỡ của nạn nhân đối với người phạm tội lẽ ra y phải chịu ơn suốt đời, nhưng đã bội phản trắc, đã giết người giúp mình, chứng tỏ sự hèn hạ cao độ.
Khi xác định nạn nhân có phải là ân nhân của người có hành vi giét người hay không xét trong hoàn cảnh cụ thể; mối quan hệ phải rõ ràng, được dư luận xã hội thừa nhận và không trái pháp luật. Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân làm cho kẻ giết người phải chịu ơn thì không coi là giết người là ân nhân của mình. Ví dụ một giám thị đưa bài cho thì sinh chép trong phòng thi, một cán bộ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa rồi lại đem tài sản đó giúp người khác, một cán bộ quản giáo tha thứ phạm nhân trái pháp luật, một thẩm phán cố tình đưa ra một bản án trái pháp luật có lợi cho người phạm tội, v.v..
Ngoài các trường hợp đã nêu trên, thực tiễn xét xử còn có các trường họp sau đây cũng nên coi là giết người vì động cơ đê hèn. Đó là trường hợp người có hành vi giết người không có khả năng giết được người mình muốn giết nên giết người thân của họ mà những người này không hề có mau thuẫn gì với người có hành vi giết người, họ yếu đuối không có khả năng tự vệ như ông bà già, người bị bệnh nặng và các em nhỏ, họ là bố mẹ, vợ con của người có hành vi giết người định giết nhưng không giết được.
Ví dụ: do làm ăn buôn bán với nhau nên A có thù tức với B. A tìm để giết B nhưng không được, A liền đến nhà B chém chết mẹ của B đang bị bệnh nằm trên giường. Mặc dù hành vi giết người này bị coi là có tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người trong tình trạng không tự vệ được” (điểm b khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự), nhưng chúng tôi cho rằng cần phải coi trường hợp này là giết người vì động cơ đê hèn và người có hành vi giết người phải bị trừng trị theo khoản 1 Điều 93.
Trường hợp phạm tội giết người đã phân tích trên, theo điều quy định, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 93 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Việc xử phạt ở mức độ nào là tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng trường hợp, đồng thời phải cân nhắc, đánh giá nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các Điều 48 và 46 Bộ luật hình sự.
Thực tiễn xét xử cho thấy bị cáo giết người chỉ thuộc một trong 16 trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 93 nhưng vẫn có thể bị phạt tử hình. Trong khi đó có bị cáo giết người thuộc hai, ba trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 93 nhưng chỉ bị xử phạt dưới 20 năm tù. Vì vậy không nên căn cứ vào số lượng các trường hợp phạm tội mà phải căn cứ vào tính chất nguy hiểm của từng trường hợp phạm tội để quyết định hình phạt đối với những người phạm tội như Điều 3 và Điều 45.
Nếu giết người không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 93 có khung hình phạt từ 7 năm đến mười lăm năm tù. Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết tăng nặng định khung tăng nặng. Lẽ ra trường hợp phạm tội này phải là cấu thành cơ bản, nhưng do kỹ thuật và truyền thông lập pháp nên đối với tội giết người nhà làm luật xây dựng cấu thành tăng nặng trước, sau đó mới đến cấu thành cơ bản.
Không nên coi khoản 2 Điều 93 là cấu thành giảm nhẹ như trong một số tội xâm phạm an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự năm 1985 khi quy định về tội giết người đã chia thành 4 trường hợp, trong đó có hai trường hợp giết người thuộc cấu thành giảm nhẹ, đó là “giết người trong trạng tinh thần bị kích động mạnh” (khoản 3 Điều 101) và “giết con mới đẻ” (khoản 4 Điều 101). Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định hai trường hợp giết người này cùng chung với tội giết người nữa mà quy định thành hai tội riêng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 93 thì người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo quy định tại Điều 36, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm theo quy định tại Điều 37, Điều 38. Đây là hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính Tòa án có thể áp dụng trong những trường hợp cần thiết.
Đối với tội giết người, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thì không thể áp dụng hình phạt bổ sung vì các hình phạt bổ sung là hình phạt phải thi hành sau khi chấp hành xong hình phạt tù, một người đã bị kết án tử hình thì không có việc chấp hành xong hình phạt tù, nếu áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị án tử hình sẽ trở thành vô nghĩa.
Riêng đối với hình phạt tù chung thân cũng có ý kiến cho rằng, Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung, vì người bị phạt tù chung thân có thể được giảm thời hạn tù và trên thực tế chưa có người nào bị phạt tù chung thân lại ở tù suốt đời, việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ là cần thiết và như vậy mới đảm bảo tính công bằng với người bị phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn, nếu Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thì khi tuyên án Tòa án không thể quyết định cấm cư trú hoặc quản chế người phạm tội mấy năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù, quyết định như vậy xét về góc độ pháp lý là không chính xác, không ai biết được người phạm tội bị phạt tù chung thân đến khi nào thì họ chấp hành xong hình phạt tù.
Trừ trường hợp Bộ luật hình sự quy định “người phạt tù chung thân nếu được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn thì Tòa án sẽ áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ” hoặc “hình phạt bổ sung nếu áp dụng với người bị phạt tù chung thân thì hình phạt bổ sung sẽ được thi hành nếu người bị kết án được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật hình sự”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào về việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân, nên Tòa án không thể áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.
Thư Viện Pháp Luật