Công tác khẩn nguy sân bay được quy định như thế nào?
Công tác khẩn nguy sân bay được hướng dẫn tại Điều 64 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, theo đó:
1. Công tác khẩn nguy sân bay bao gồm các tình huống sau:
a) Tìm kiếm cứu nạn tàu bay lâm nạn ngoài cảng hàng không, sân bay trong khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay;
b) Khẩn nguy sân bay đối với tàu bay gặp sự cố, tai nạn trong cảng hàng không, sân bay;
c) Khẩn nguy sân bay liên quan đến tình huống các công trình, nhà xưởng, đài trạm tại cảng hàng không, sân bay bị cháy, nổ, bị sập đổ vì bão lốc, ngập úng, bị can thiệp bất hợp pháp, khẩn nguy y tế;
d) Khẩn nguy sân bay trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, địa hình khu vực lân cận sân bay phức tạp, gần biển;
đ) Khẩn nguy can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng theo quy định.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay xây dựng kế hoạch khẩn nguy sân bay; xây dựng lực lượng khẩn nguy cảng hàng không, sân bay chuyên nghiệp theo đúng quy định của ICAO; hợp đồng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác khẩn nguy sân bay.
3. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không trên địa bàn cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ lực lượng, phương tiện theo kế hoạch khẩn nguy sân bay của người khai thác cảng hàng không, sân bay.
4. Kế hoạch khẩn nguy sân bay bao gồm các nội dung sau:
a) Quy định chung: mục đích, đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm, căn cứ pháp lý để xây dựng, phân loại tình huống khẩn nguy và quy trình sửa đổi, bổ sung tài liệu;
b) Tổ chức công tác khẩn nguy gồm: ban chỉ huy khẩn nguy, trung tâm khẩn nguy cảng hàng không, sân bay, trạm báo động khẩn nguy, ban chỉ huy hiện trường; thiết lập các khu vực, sơ đồ luồng tuyến, cổng cửa ra vào cho lực lượng, phương tiện tham gia vào công tác ứng phó khẩn nguy;
c) Phân định trách nhiệm cho các đơn vị trong việc tổ chức, phối hợp và thực hiện công tác khẩn nguy;
d) Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ trong công tác khẩn nguy;
đ) Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sử dụng trong công tác khẩn nguy;
e) Điều tra và khôi phục: trách nhiệm của các đơn vị trong công tác điều tra và khôi phục sự cố, tai nạn;
g) Chế độ trực khẩn nguy và công tác huấn luyện, kiểm tra, diễn tập;
h) Quy chế báo cáo;
i) Quy chế phối hợp với ban chỉ huy khẩn nguy địa phương;
k) Các phụ lục gồm: vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của cảng hàng không, sân bay; sơ đồ thông báo khi có tình huống khẩn nguy; sơ đồ thông báo, báo động khi có hành vi can thiệp bất hợp pháp; sơ đồ chỉ huy, chỉ đạo khi có tình huống khẩn nguy; sơ đồ thông tin liên lạc, mật danh và tần số quy định cho công tác khẩn nguy; danh bạ điện thoại của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác khẩn nguy; sơ đồ kẻ lưới ô vuông cảng hàng không và khu vực lân cận cảng hàng không; sơ đồ cổng, cửa, luồng tuyến ra vào của lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với tình huống khẩn nguy; các tình huống khẩn nguy giả định.
5. Kế hoạch khẩn nguy sân bay bao gồm khẩn nguy tại chỗ, khẩn nguy hoàn toàn và được chia thành các giai đoạn:
a) Giai đoạn thu thập thông tin và đánh giá tình huống;
b) Giai đoạn báo động;
c) Giai đoạn khẩn nguy.
6. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chỉ huy, điều hành các lực lượng hàng không để ứng phó ban đầu với các tình huống khẩn nguy sân bay, tìm kiếm cứu nạn trong khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm được giao; bàn giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn tàu bay trong khu vực trách nhiệm được giao sau khi hoàn thành công tác ứng phó ban đầu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó hành vi can thiệp bất hợp pháp trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
7. Người khai thác cảng hàng không, sân bay triển khai thực hiện kế hoạch khẩn nguy trong cảng hàng không, sân bay, cụ thể:
a) Triển khai các lực lượng khẩn nguy cứu nạn sẵn sàng ứng phó, tiếp cận khu vực sự cố, tai nạn;
b) Kích hoạt trung tâm khẩn nguy cảng hàng không;
c) Thông báo cho các đơn vị hiệp đồng liên quan;
d) Dịch vụ y tế và cứu thương sẵn sàng ứng phó, tiếp cận khu vực sự cố, tai nạn;
đ) Thông báo cho người khai thác tàu bay lâm nguy, lâm nạn; thu thập thông tin liên quan đến các hàng hóa nguy hiểm trên tàu bay, thông báo cho những đơn vị liên quan;
e) Báo cáo Cảng vụ hàng không; thiết lập liên lạc với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay liên quan đến việc đóng cửa cảng hàng không, sân bay, chỉ định hành lang bay khẩn nguy, phát hành NOTAM;
g) Thông báo cho các cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay theo quy định;
h) Thông báo cho bộ phận khí tượng để đưa ra thông báo khí tượng đặc biệt;
i) Bố trí để thực hiện khảo sát và chụp ảnh ngay lập tức đường cất hạ cánh bị ảnh hưởng để có các giải pháp xử lý kịp thời;
k) Thông báo cho bộ phận khám nghiệm tử thi trong trường hợp có tử vong và thiết lập cơ sở nhà xác tạm thời.
8. Diễn tập khẩn nguy sân bay phải được tổ chức định kỳ tại từng cảng hàng không, sân bay theo các cấp độ như sau:
a) Tổng diễn tập khẩn nguy sân bay phải được tổ chức thực hiện với tần suất không quá 2 năm/lần;
b) Diễn tập khẩn nguy sân bay cơ sở giữa hai lần tổng diễn tập để khắc phục những thiếu sót được phát hiện trong lần tổng diễn tập.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về công tác khẩn nguy sân bay, được quy định tại Thông tư 17/2016/TT-BGTVT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật