Phân biệt lương cơ sở và lương tối thiểu vùng
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang:
“1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở”.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Do vậy, lương cơ sở là lương mà căn cứ vào đó để tính lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác,… áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Hiện nay, theo Nghị quyết 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, mức lương cơ sở năm 2017 sẽ là 1.300.000 đồng (mức lương cơ sở hiện tại là 1.210.000 đồng) áp dụng từ 1/7/2017.
* Lương tối thiểu vùng:
Theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thì lương tối thiểu vùng áp dụng cho những đối tượng sau:
1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
2. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
4. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này sau đây gọi chung là doanh nghiệp”.
Theo đó, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất theo vùng mà người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp tại vùng đó được nhận. Khác với lương cơ sở, lương tối thiểu vùng áp dụng chung cho tất cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp.
Người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về lương nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định 153/2016/NĐ-CP, áp dụng từ 1/1/2017 như sau:
1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp:
a) Mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
2. Địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này”.
Như vậy, lương cơ sở và lương tối thiểu vùng là hai loại lương cơ bản hiện nay, áp dụng cho những đối tượng khác nhau. Bạn đối chiếu với trường hợp của mình để áp dụng đúng mức lương theo các quy định của pháp luật nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật