Một sổ đỏ có được thế chấp nhiều lần không?
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự bao gồm:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;
- Đáp ứng đúng các điều kiện về hình thức của giao dịch trong các trường hợp pháp luật có quy định;
Theo đó, việc thực hiện hoạt động vay tín dụng từ phía các tổ chức tín dụng có thể được đảm bảo bằng biện pháp bảo đảm thế chấp, bởi theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp được hiểu là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Việc thế chấp phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu cô bạn đã thực hiện việc thế chấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thì khi cô bạn muốn vay thêm số tiền thì buộc cô bạn sẽ phải thỏa thuận lại với bên ngân hàng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho vay. Vì đối tượng của hợp đồng này đã được thế chấp tại một giao dịch trước rồi, nếu muốn thay đổi hoặc bổ sung thì cả hai bên giao dịch hợp đồng cần thỏa thuận, thống nhất ý chí với nhau. Nói chính xác là cần được sự đồng ý của ngân hàng trong trường hợp của bạn về vấn đề thế chấp này.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc thế chấp sổ đỏ nhiều lần. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật