Mục tiêu, chức năng hoạt động và ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được quy định như thế nào?
Mục tiêu, chức năng hoạt động và ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được quy định tại Điều 4 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 175/2013/NĐ-CP như sau:
1. Mục tiêu kinh doanh:
a) Kinh doanh có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại Đường sắt Việt Nam và vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư tại các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu giao.
b) Tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên.
c) Phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, điều hành giao thông vận tải đường sắt và vận tải đường sắt là các ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu, đào tạo; có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; làm nòng cốt để ngành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
2. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực tiếp sản xuất, kinh doanh và đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết; phối hợp, định hướng các hoạt động các công ty con, công ty liên kết theo tỷ lệ chiếm giữ vốn điều lệ tại các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ nhà, quỹ đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt theo quy định.
3. Ngành, nghề kinh doanh:
a) Ngành, nghề kinh doanh chính: Kinh doanh vận tải đường sắt, vận tải đa phương thức trong nước và liên vận quốc tế; quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia; đại lý và dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không; tư vấn, khảo sát, thiết kế, chế tạo, đóng mới và sửa chữa các phương tiện, thiết bị, phụ tùng chuyên ngành đường sắt và các sản phẩm cơ khí.
b) Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp và dân dụng; dịch vụ viễn thông và tin học; kinh doanh xăng, dầu, mỡ bôi trơn của ngành đường sắt; kinh doanh kho bãi và dịch vụ hỗ trợ cho vận tải.
c) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện thoái vốn tại các ngành, nghề hiện đang kinh doanh không thuộc các ngành, nghề quy định tại các Điểm a, b Khoản 3 Điều này theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên đây là quy định về Mục tiêu, chức năng hoạt động và ngành, nghề kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định Nghị định 175/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật